|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thứ trưởng Bộ Công Thương: 'Nếu bỏ quỹ BOG xăng dầu, tôi là người mừng đầu tiên nhưng bỏ không phải dễ'

19:19 | 16/06/2022
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng việc bỏ quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu là điều khó bởi quỹ này đóng vai trò như "hồ điều hoà" giúp kìm hãm đã tăng sốc.

Liên quan đến đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, tại buổi họp báo chiều ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bản thân ông nhiều lần cũng muốn bỏ quỹ này nhưng không dễ. 

 

 Họp báo thường kỳ quý II/2022 của Bộ Công Thương. (Ảnh: H.Mĩ)

 

"Nếu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì tôi là người mừng đầu tiên. Tôi đã nói rất nhiều lần là rất muốn bỏ quỹ này, "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng", đỡ phải suy nghĩ trích bao nhiêu, chi bao nhiêu trong mỗi kỳ điều hành giá. Nhưng nói bỏ thì dễ nhưng làm thì rất khó", ông Hải nói

Ông Hải ví quỹ bình ổn giá xăng dầu như hồ điều hoà, phần tiết kiệm để điều hành giá. "Bản chất quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người tiêu dùng, giống như một khoản tiết kiệm. Khi giá xăng giảm nhiều quá, nếu cộng thêm một vài nghìn để cho vào quỹ bình ổn thì không ảnh hưởng gì cả. Nhưng khi giá tăng, dùng tiền trong quỹ để giảm vài đồng cũng quý. Giống như câu nói "một miếng khi đói bằng một gói khi no"", ông Hải cho biết. 

Đặc biệt ở Việt Nam hay xảy ra tình trạng "lạm phát tâm lý", tức khi giá xăng tăng, hàng loạt mặt hàng khác cũng tăng theo. Còn khi giá xăng giảm, những mặt hàng này lại không giảm theo.

Mặc dù vậy, ông Hải cũng chỉ ra quỹ bình ổn giá có mức độ, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị âm, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.

Trước đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành. Về việc bình ổn giá, Bộ này cho rằng cần được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định.

"Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường", Bộ Tài chính nhận định.

Tính đến phương án tiếp tục giảm thuế

Theo ông Hải ngoài quỹ bình ổn, công cụ thứ hai là thuế có thể tác động đến giá xăng dầu: "Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm thuế môi trường và chắc chắn thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm việc giảm các loại thế khác để hạ giá xăng dầu. Các bộ ngành đã họp và có đề xuất giảm các loại thuế khác ngoài thuế bảo vệ môi trường".

Kể từ 1/4 đến ngày 31/12, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn được giảm 50%. Còn với dầu hoả, sắc thuế này được giảm 70%. 

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 được quy định cụ thể như sau: Xăng, trừ etanol 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết thêm Bộ này đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết hiện Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Nói về phương án giảm thuế nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần phải tính toán kỹ càng hệ luỵ.

"Nhưng cũng phải tính toán kỹ vì nếu giảm thuế nhập khẩu cũng không phải tốt vì khi tăng lại rất khó, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Đó là sự đánh đổi", ông Hải nói. 

Nếu việc giảm thuế và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác dụng thì sẽ dùng đến biện pháp cuối cùng là các gói an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trước giá xăng dầu tăng cao. 

H.Mĩ