Thu thuế Airbnb, liệu có khó?
Hiện tại Airbnb vẫn chưa thiết lập bất kỳ hiện diện thương mại nào tại Việt Nam. Ảnh: Internet |
Nếu như Grab, Uber cung cấp dịch vụ “đi nhờ xe” đã quá phổ biến thì dịch vụ “ở nhờ” của Airbnb - một công ty đa quốc gia kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến còn khá mới mẻ với nhiều người Việt Nam. Sự phát triển mạnh của Airbnb trên môi trường kỹ thuật số - vốn không còn biên giới quốc gia - khiến chính phủ của các nước đã, đang và sẽ đau đầu tìm cách thu thuế của Airbnb một cách hợp lý. Còn ở Việt Nam, cơ quan thuế sẽ ứng phó thế nào?
Cơ sở pháp lý nào để thu thuế Airbnb?
Mặc dù ngày càng có nhiều người dùng tại Việt Nam đăng ký tài khoản trực tuyến trên www.airbnb.com để tìm kiếm khách thuê phòng, nhưng tính đến thời điểm hiện tại Airbnb vẫn chưa thiết lập bất kỳ hiện diện thương mại nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là các tổ chức nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam như Airbnb sẽ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế Việt Nam.
Theo quy định pháp luật hiện hành, dù tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì đều được xác định là người nộp thuế và là đối tượng điều chỉnh của thuế nhà thầu(1).
Do đó, về mặt quy định chung của pháp luật, Việt Nam đã có cơ sở pháp lý để thu thuế nhà thầu đối với Airbnb (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) và Airbnb cũng đã có nghĩa vụ pháp lý phải đóng thuế nhà thầu cho Việt Nam đối với phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Vấn đề còn lại là Việt Nam sẽ quản lý và thu thuế như thế nào đối với Airbnb để tránh thất thu thuế mà thôi.
Thu thuế Airbnb như thế nào?
Hiện nay, việc quản lý thuế và thu thuế đối với một số trang web đặt phòng trực tuyến như Agoda, Traveloka, Expedia... đang được cơ quan thuế áp dụng Công văn số 848/BTC-TCT của Bộ Tài chính ngày 18-1-2017 hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức này (Công văn 848) Airbnb cũng hoạt động theo mô hình tương tự như Agoda, Traveloka... nên có thể sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo hướng dẫn của Công văn 848 này.
Thông tư 103/2104/TT-BCT cũng như Công văn 848 quy định cơ sở lưu trú ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài trong trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam hoặc cơ sở lưu trú thông báo cho nhà thầu nước ngoài biết nghĩa vụ thuế và khai, nộp thuế nhà thầu thay cho nhà thầu nước ngoài nếu khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho nhà thầu nước ngoài sau đó nhà thầu nước ngoài chuyển tiền phòng cho cơ sở lưu trú(2).
Theo quy định này, cho dù khách hàng trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú hay cho nhà thầu nước ngoài, thì nghĩa vụ kê khai và nộp thuế vẫn thuộc về cơ sở lưu trú tại Việt Nam, là những đối tượng mà cơ quan thuế của Việt Nam có thể kiểm soát được.
Thu thuế Airbnb, liệu có dễ?
Tuy vậy, trên thực tế, đối với mô hình hoạt động của Airbnb, thất thu thuế là một trong những hệ quả tất yếu khi thu thuế theo các quy định và hướng dẫn nêu trên vì nhiều lý do.
Mặc dù không hiện diện tại Việt Nam và chỉ là bên trung gian, nhưng khi chủ nhà chấp nhận lịch đặt phòng của khách thì số tiền khách phải trả sẽ được chuyển trực tiếp tới trung tâm thanh toán của Airbnb(3). Khoản tiền được Airbnb thanh toán trở lại cho chủ nhà sau 24 giờ kể từ khi khách thuê nhận phòng không bao gồm tiền thuế của Airbnb.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ sở lưu trú sẽ phải kê khai và nộp thuế thay cho Airbnb trong khi hợp đồng giữa hai bên (chính xác là các điều khoản và điều kiện) không hề có thỏa thuận nào về nghĩa vụ thuế phải nộp tại Việt Nam của Airbnb. Vì vậy, để tránh rủi ro không được Airbnb hoàn trả khoản tiền thuế, cơ sở lưu trú tại Việt Nam có xu hướng không chấp nhận hoặc sẽ tìm cách để không phải nộp thuế thay cho Airbnb.
Mặt khác, cơ sở lưu trú của Việt Nam tham gia kinh doanh trên www.airbnb.com hầu hết là các cá nhân và hộ gia đình, toàn bộ giao dịch được thực hiện trực tuyến thông qua mạng Internet, không cần xuất hóa đơn hay có hệ thống sổ sách kế toán và được Airbnb thanh toán qua tài khoản thanh toán quốc tế, vì vậy cơ quan thuế khó có thể kiểm soát được toàn bộ doanh thu của họ nếu không có sự đồng bộ, phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng.
Thế giới thu thuế Airbnb như thế nào?
Tại Pháp, mặc dù Airbnb chỉ có duy nhất một chi nhánh tại Paris, nhưng cơ quan thuế của Pháp cũng không dễ dàng xác định chính xác doanh thu tính thuế của Airbnb do chi nhánh vỏn vẹn 40 nhân viên này có nhiệm vụ chủ yếu là tiếp thị. Mặc dù Pháp là thị trường trọng điểm thứ hai của Airbnb nhưng Airbnb chỉ phải trả chưa đến 100.000 euro tiền thuế cho Pháp vào năm 2016, tương đương số tiền thuế mà một doanh nghiệp nhỏ có doanh thu 300.000 euro phải đóng(4). Bộ trưởng Kinh tế Pháp tỏ ra phẫn nộ về điều này. Ngay sau đó, cơ quan quản lý của Pháp và Đức đã đệ trình một đề xuất thuế về các nền kỹ thuật số tại Hội đồng châu Âu vào ngày 15-9-2017.
Không thể kìm hãm sự gia tăng của Airbnb như là một xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, cơ quan có thẩm quyền của các nước trên thế giới chỉ có thể siết chặt hơn các quy định pháp luật liên quan đến nhiệm vụ của người cho thuê nhà trên Airbnb, cũng như đưa ra cách tính thuế mới cho những người cung cấp dịch vụ này.
Ví dụ, ở Berlin, những người cho thuê ngắn hạn nửa căn hộ của họ mà không có sự cho phép của hội đồng thành phố có nguy cơ bị phạt tiền đến 100.000 euro. Tại London, “quy tắc 90 ngày” đã được đưa ra vào năm 2015 nghiêm cấm cho thuê bất động sản trong hơn ba tháng trên một năm trên Airbnb, hoặc bất kỳ dịch vụ tương tự. Ngày 28-4-2017, Pháp đã đưa ra Nghị định số 2017-678, dưới tên gọi Nghị định “Airbnb”, nêu rõ các thông tin cần thiết cho việc đăng ký cho thuê nhà ở ngắn hạn. Quy định mới này buộc những người cho thuê nhà trên các trang web thuê căn hộ ngắn hạn như Airbnb từ ngày 1-12-2017 phải đăng ký với Tòa thị chính trước khi đăng quảng cáo trên các trang web đó. Trường hợp không đăng ký sẽ bị phạt lên đến 50.000 euro.
Hiện nay, “mối đe dọa” của Airbnb tới ngành dịch vụ liên quan chưa rõ ràng và đáng quan ngại như Uber hay Grab, nhưng về lâu về dài, Nhà nước cần có quy định pháp lý rõ ràng để quản lý thuế đối với Airbnb, hay những loại hình tương tự vốn đang phát triển khá nhanh trong thời gian qua và sắp tới.
(1) Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC
(2) Mục 2 của Công văn 848
(3) https://www.airbnb.com/help/article/209/why-should-i-pay-and-communicate-through-airbnb-directly
(4) https://www.lesechos.fr/11/08/2016/lesechos.fr/0211198480838_airbnb-n-a-paye-que-69-168-euros-d-impots-en-france.htm