|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ phủ dệt may Trung Quốc lao đao vì chiến tranh thương mại

21:22 | 29/06/2019
Chia sẻ
Thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, thủ phủ dệt may của Trung Quốc đang trải qua cơn khốn khó với nhiều nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc khi đơn hàng suy giảm do tác động từ các đòn thuế của Mỹ.

Nếu như vào một một ngày bận rộn bình thường như trước đây, tiếng máy móc chạy vang vọng khắp các bức tường nhưng nhà máy của Công ty dệt Suzhou Jinzhu ở quận Ngô Giang, TP Tô Châu. Hiện nay, nhà máy này yên ắng lạ thường với chỉ hai công nhân đang dọn dẹp vệ sinh. 60 máy dệt sản xuất vải cotton nằm im ỉm trong nhiều ngày trước khi công ty Suzhou Jinzhu quyết định cho công nhân nghỉ làm một tháng, theo thông báo của công ty đưa ra cách đây hai tuần. Thông báo cũng lưu ý thời gian nghỉ có thể kéo dài hơn nữa.

Ngành công nghiệp dệt may Trung Quốc thường bận rộn với các đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu tiên hàng năm nhưng kể từ tháng 6, Suzhou Jinzhu không còn nhận được bất kỳ đơn hàng nào nữa, nguyên nhân là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Các sản phẩm vải sợi của Trung Quốc bị lọt vào danh sách 200 tỉ đô hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 10% kể từ tháng 9 năm ngoái và sau đó tăng lên 25% kể từ tháng 5-2019.

“Ngành dệt may đang đối mặt với một tình huống chưa có tiền lệ và hoạt động sản xuất của chúng ta đang gặp khó khăn. Các đơn hàng trong tương lai phụ thuộc vào Mỹ có thật sự muốn đàm phán công bằng với Trung Quốc hay không. Chúng ta cần phải phân chia chi phí thuế 15% tăng thêm với các khách hàng của chúng ta nhưng phải mất một thời gian để đàm phán việc này”, thông báo của công ty Suzhou Jinzhu giải thích.

 Thủ phủ dệt may Trung Quốc lao đao vì chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Nhà máy dệt Suzhou Jinzhu ở TP Tô Châu cho nhân viên nghỉ làm một tháng vì thiếu đơn hàng. Ảnh: SCMP

Năm ngoái, xuất khẩu dệt may Trung Quốc tăng 8,12% lên mức 119 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu nhờ các công ty Trung Quốc chạy đua với thời gian để xuất hàng hóa sang Mỹ vì lo sợ Mỹ sẽ tăng thuế bắt đầu từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2019, các tổn hại do chiến tranh thương mại hiện rõ hơn khi xuất khẩu dệt may Trung Quốc tăng chậm lại chỉ còn 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tô Châu là một trong những thành phố sản xuất thịnh vượng nhất Trung Quốc với trọng tâm là hàng hóa xuất khẩu.

Ngô Giang, quận lớn nhất của Tô Châu, nơi đặt trụ sở của Suzhou Jinzhu, là trung tâm sản xuất cho một số nhà sản xuất cáp quang và sợi lớn nhất ở Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Ngô Giang giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 4,76 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó, giá trị nguyên liệu nhập khẩu của quận này giảm mạnh 23,7% xuống còn 1,75 tỉ đô la Mỹ.

Tổng kim ngạch thương mại của Ngô Giang với Mỹ, thị trường nước xuất khẩu lớn nhất của quận này, giảm 12% trong bốn tháng đầu năm 2019. Theo chính quyền địa phương, chiến tranh thương mại đã tác động đến ít nhất 770 công ty xuất khẩu ở Ngô Giang, trong đó gồm 541 công ty có các sản phẩm nằm trong danh sách 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của các công ty này sang Mỹ sụt giảm 28% so vớ cùng kỳ năm ngoái.

Các đòn thuế Mỹ tác động đến mọi công ty hoạt động trong ngành dệt may ở Tô Châu. Trong tháng 5, chỉ số Shangze 50, một chỉ số hàng đầu về ngành dệt may ở Ngô Giang, giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 3-2017. Chỉ số này theo dõi biến động tài chính của 50 nhà sản xuất dệt may hàng đầu ở Shengze (Thịnh Trạch), một khu sản xuất tơ lụa lớn ở Ngô Giang.

 Thủ phủ dệt may Trung Quốc lao đao vì chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Các cuộn vải chất đống ở sân của nhà máy dệt Runze Textiles ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Nguồn cung dệt may cũng đang dư thừa ở Trung Quốc, một phần là do chiến tranh thương mại và một phần là do các công ty ồ ạt mở rộng các cơ sở sản xuất bên ngoài Thịnh Trạch để tránh các quy định kiểm soát môi trường gắt gao của địa phương.

Các nhà máy vải ở Thịnh Trạch cần trung bình hơn 40 ngày để giải phóng lượng vải tồn kho. Tại nhà máy của công ty dệt Runze Textiles, gần với nhà máy của Suzhou Jinzhu, các cuộn vải chất đống cao ở bên ngoài do thiếu đơn hàng.

Tình hình kinh doanh u ám khiến các công ty không sẵn sàng tuyển dụng thêm công nhân khi mức lương của họ tăng nhanh trong những năm gần đây. Chi phí nhân công cao hơn so với Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang khiến sức hấp dẫn của Trung Quốc với tư cách là công xưởng thế giới giảm đi nhanh chóng.

Do hoạt động kinh doanh suy giảm, hồi đầu năm Công ty dệt Suzhou Rongshengda ở Tô Châu  đã cho 200 công nhân nghỉ làm trong 4 ngày. Công ty không dám để công nhân nghỉ dài hơn vì lo ngại họ sẽ đi xin việc ở nơi khác. Nhưng giờ đây, các công ty như Suzhou Ronghengda không cần phải lo lắng bị các công ty khác “câu” công nhân nữa vì nhu cầu tuyển dụng lao động đang suy yếu khắp ngành dệt may.

Chánh Tài

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.