HSBC: Dệt may được kì vọng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, những cam kết mở cửa mạnh mẽ trong EVFTA sẽ giúp mở cửa hơn nữa thị trường xuất khẩu cho VIệt Nam, đặc biệt những hàng dệt may, nông thủy sản, dồ gỗ.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam. Ảnh: HSBC
Theo các nhà phân tích của HSBC, các ngành như dệt may và da giày của Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.
Xuất khẩu dệt may và da giày của Việt Nam sang châu Âu đạt gần 9 tỉ USD trong năm 2018 trong khi thuế suất trung bình châu Âu áp cho các sản phẩm này ở mức 9%.
Những mức thuế quan này sẽ được dỡ bỏ trong vòng ba năm hoặc ngay lập tức sau khi EVFTA có hiệu lực đối với những hàng hóa ít nhạy cảm.
Bên cạnh những lợi ích, đại diện ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng một ngành công nghiệp dệt may nội địa, giảm các thành tố nhập khẩu để có thể tận dụng được hết những lợi ích này.
"Yêu cầu rất nghiêm khắc về xuất xứ hàng hóa đối với các sản phẩm dệt may nhập khẩu vào châu Âu có thể làm giảm các lợi ích đối với Việt Nam khi phần lớn các nguyên liệu chính đều được nhập khẩu từ các quốc gia khác", ông Hải nhận định.
Hiện tại, chỉ có các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và doanh nghiệp FDI có khả năng đáp ứng được tỉ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu tuân thủ quy tắc xuất xứ của Hiệp định.
Bên cạnh việc doanh nghiệp cần tự phát triển nội tại, ông Hải cho rằng những quy định hướng dẫn và hoạt động của Chính phủ giúp cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về hiệp định này là hết sức cần thiết, như quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xuất xứ hàng hóa v.v…
Ngoài ra, những cải cách triệt để về hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, việc hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu cần được coi là một ưu tiên.