Thu hút vốn nước ngoài: Quy định mới, cục diện mới
Ưu tiên dòng vốn vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường
Quan điểm xuyên suốt của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khi xây dựng chiến lược thu hút vốn FDI cho giai đoạn tới là thu hút có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm nhằm gia tăng hiệu quả đóng góp của vốn FDI đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu hơn với việc triển khai thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Vũ Ðại Thắng cho biết, định hướng thu hút FDI giai đoạn tới là ưu tiên dòng vốn vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện với môi trường như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, internet vạn vật (IoT)…
Các lĩnh vực ưu tiên khác bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao, thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh.
Ðồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút FDI vào các ngành đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Theo Thứ trưởng Thắng, thu hút FDI chú trọng các đối tác chiến lược, các tập đoàn lớn thuộc các nước phát triển, nhưng cũng dành dư địa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải đảm bảo điều kiện về công nghệ và gia nhập mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Ðể thực hiện được mục tiêu tham vọng này, 8 nhóm giải pháp lớn đã được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất gắn với hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, vận hành có hiệu quả các loại thị trường và mở cửa thị trường để thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài...
"Việt Nam đặt mục tiêu thu hút vốn FDI chất lượng cao và sử dụng hiệu quả hơn để tiếp cận các công nghệ mới, tăng kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, gia tăng sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của đất nước và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo sự thay đổi của mô hình tăng trưởng", Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, với trọng tâm đổi mới định hướng thu hút dòng vốn ngoại này, Việt Nam đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của khu vực FDI lên 20 - 25% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế, giảm mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp FDI dưới mức trung bình quốc gia trong khi tăng mức đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn tới.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Ðánh giá định hướng thu hút FDI trong giai đoạn từ nay tới năm 2010, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, điều này đã thể hiện tham vọng của Việt Nam trong việc thu hút các dự án quy mô lớn từ các tập đoàn xuyên quốc gia trong Danh sách toàn cầu 2000 của Forbes trên các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ hiện đại.
“Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong định hướng phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư, xu hướng rất tích cực đi cùng với sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường kinh doanh. Chúng tôi rất vui mừng chờ đón những thay đổi này, đồng thời cùng kỳ vọng tìm kiếm những thay đổi tích cực trong khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là quan hệ đối tác công tư (PPP) để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong tương lai”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mitsubishi Việt Nam Tetsu Funayama, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) chia sẻ.
Ông Tetsu Funayama cũng đề xuất Chính phủ cho phép các nhà đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản liên quan đến đất đai để tạo điều kiện cho họ huy động vốn cho các dự án, đồng thời có các chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, cần có những chính sách thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cần được đơn giản hóa hơn nữa.
“Khung pháp lý thường xuyên thay đổi là mối lo ngại của các nhà đầu tư. Cần cải thiện việc thực thi luật pháp để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp khi luật mới có hiệu lực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài rời Trung Quốc vì lý do này và xu hướng này sẽ tiếp tiếp diễn. Việt Nam hấp dẫn như thế nào phụ thuộc vào chính sách tương lai của Chính phủ cùng các cơ quan thực thi", ông Kim Han Yong nhấn mạnh.
Xem thêm |