Thu chi ngân sách: càng nhìn càng lo
|
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy ước thu ngân sách 10 tháng đầu năm nay mới đạt 72,59% kế hoạch năm. Hai nguồn thu thấp nhất là dầu thô, giảm 43% so với cùng kỳ và mới được 56,6% chỉ tiêu. Kế đó thu thuế xuất nhập khẩu mới được 65,1% kế hoạch. Giá dầu giảm và các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực đã làm hai nguồn thu này giảm sút.
Số thu đang đứng trước nguy cơ không đạt kế hoạch năm, nhưng bội chi ngân sách 10 tháng qua lại lên đến 188.000 tỉ đồng, tương đương 6,2% GDP của chín tháng đầu năm. Chính phủ chỉ còn cách gia tăng vay nợ và hệ quả là phát hành trái phiếu năm nay đã được nâng lên 281.000 tỉ đồng, tăng 53% so với tổng lượng phát hành của năm ngoái. Mức trần nợ Chính phủ 50% đã bị phá vỡ do phát hành trái phiếu chạy quá nhanh trong khi tăng trưởng GDP chậm lại. Điều này đã buộc Quốc hội cho phép nâng trần nợ Chính phủ lên 54%.
Giả sử con số tuyệt đối bội chi ngân sách năm nay giữ nguyên so với năm ngoái, tức khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, thì ngay cả trong trường hợp đó tấm đệm bội chi vẫn tiếp tục ngày một dày thêm. Những biện pháp “giật gấu vá vai” đang được thực hiện ngày càng nhiều từ gia tăng thu tiền sử dụng đất đến thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quy mô. Tuy nhiên dư địa cho những nguồn thu “giật gấu vá vai” cũng không nhiều nhặn gì.
Phát hành trái phiếu năm nay đã được nâng lên 281.000 tỉ đồng, tăng 53% so với tổng lượng phát hành của năm ngoái. Mức trần nợ Chính phủ 50% đã bị phá vỡ do phát hành trái phiếu chạy quá nhanh trong khi tăng trưởng GDP chậm lại. Điều này đã buộc Quốc hội cho phép nâng trần nợ Chính phủ lên 54%. |
Giám đốc phụ trách đầu tư của một trong những quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam VEIL với tổng số tiền 1 tỉ đô la Mỹ, ông Vũ Hữu Điền, nói chưa bao giờ họ (Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital) bận rộn như bây giờ. Lý do là họ nhận định thời điểm thoái vốn nhà nước sẽ không kéo dài, khoảng hai năm là tối đa.
Các quỹ đang chạy đua, một mặt tái cơ cấu danh mục đầu tư, chốt lời những khoản đã có lời hoặc cắt lỗ những khoản không thể bao bọc được nữa để tập trung tiền đón đầu những đợt thoái vốn. Mặt khác họ chạy đôn chạy đáo để kêu gọi giới đầu tư bên ngoài bỏ thêm tiền vào các quỹ. Nhưng từ đầu năm đến nay, chưa thấy có quỹ ngoại mới nào được thành lập với số vốn to to, xấp xỉ 100 triệu đô la Mỹ cả. Bởi thế để bán được một cục vốn bự với giá kỳ vọng của Nhà nước nhằm thu về vài tỉ đô la Mỹ, có lẽ phải nhờ cậy đến các nhà tư vấn quốc tế và mời chào những tổ chức đầu tư còn chưa đặt chân vào Việt Nam.
Đã ba, bốn năm nay nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn chưa đem lại kết quả. Việt Nam vẫn chỉ là thị trường cận biên, chưa lên được thị trường mới nổi. Điều này mới nhìn không có nhiều ý nghĩa lắm trong góp phần giảm bội chi ngân sách, nhưng thực ra lại có thể trở thành yếu tố quan trọng. Thị trường có được nâng hạng, mới có cơ hội để tiền ngoại chảy vào, có cầu, mới có thể phát triển nguồn cung tức mang vốn nhà nước ra bán. Thoái vốn càng đắt, tiền thu càng nhiều, thì bội chi có khả năng được bù đắp và giảm.
Cùng với thoái vốn phải đẩy nhanh, đẩy mạnh cải cách khối quốc doanh. Hơn ai hết Bộ Tài chính hiểu rõ thực trạng nộp ngân sách của khối quốc doanh như thế nào. Trong 10 tháng đầu năm các doanh nghiệp nhà nước nộp cho ngân sách 148.000 tỉ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nộp 118.000 tỉ đồng, tăng 14,4%. Cừ đà này sang năm khối FDI sẽ nộp ngân sách nhiều hơn khối quốc doanh xét về con số tuyệt đối. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng cơ chế, ưu đãi hơn hẳn khối dân doanh từ tiếp cận vay vốn, tiếp cận các nguồn lực tài nguyên quốc gia, công nghệ, môi trường cạnh tranh... Nhưng đóng góp vào ngân sách lại ở mức thấp xét trên tương quan giữa sử dụng tài nguyên, vốn liếng, nhân lực và hiệu quả kinh doanh.
Nâng cao tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn tư nhân, mới là căn cơ để kiến tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Muốn thế, Bộ Tài chính nên chăng lùi một bước trong việc khoan sức dân, sức doanh nghiệp. Tận thu như yêu cầu các ngân hàng, nơi Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối, chia cổ tức tiền mặt để ngân sách có thêm vài ngàn tỉ đồng, sẽ không thể là giải pháp bền vững. Ngân sách không thể ăn đong, có nguồn nào là thu sạch nguồn ấy.
Bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay chưa sáng sủa. Theo các sở giao dịch chứng khoán, tổng lợi nhuận chín tháng đầu năm của 672 đơn vị niêm yết đạt 74.100 tỉ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Các công ty dầu khí và dịch vụ tài chính có mức sụt giảm lợi nhuận cao nhất. Lợi nhuận ngành thực phẩm, đồ uống tăng hơn 25%; vật liệu xây dựng và xây dựng tăng 38%. Sự chênh lệch trong tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp phản ánh sự lệch pha của nền kinh tế: tiêu dùng của dân cư mới chỉ tập trung vào hàng hóa thiết yếu như ăn uống, còn tăng trưởng kinh tế vẫn nhìn chủ yếu vào xây dựng, bất động sản. Nếu cơ cấu kinh tế còn bất cập, làm sao thu ngân sách dồi dào và vững bền cho được?