|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thông tin ông Phạm Nhật Vượng xuất hiện tại hội thảo có giá vé tới 50 triệu đồng là tin giả

15:14 | 22/04/2024
Chia sẻ
Chủ tịch Vingroup được biết tới là người kín tiếng trên truyền thông.

Trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh thông tin về hội thảo: “Kinh tế & các vấn đề trong đầu tư kinh doanh”. Trong đó giới thiệu hai diễn giả là ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Đại học FPT và ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup.

Thông tin giả mạo xuất hiện trên mạng xã hội. 

Ông Tiến là một diễn giả quen mặt với nhiều chương trình sự kiện. Trong khi đó ông Vượng lại là người kín tiếng trên truyền thông. Vị chủ tịch Vingroup thường rất ít khi xuất hiện trên các mặt báo hay sự kiện, lần gần nhất ông tham dự là sự kiện do tập đoàn Viettel tổ chức cách đây gần 10 năm. 

Tuy nhiên, phong cách này có phần nào đã thay đổi khi VinFast đẩy mạnh phát triển xe điện và cần truyền thông về hình ảnh chiếc xe điện Made in Việt Nam. Năm 2020, lần hiếm hoi ông Vượng trả lời phỏng vấn Bloomberg. Năm ngoái, vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam tiếp tục xuất hiện trên tờ VnExpress với một bài phỏng vấn dài.

Do đó nhiều người tin rằng có thể trong sự kiện được quảng cáo bên trên, chủ tịch Vingroup cũng sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, theo đại diện của Vingroup, đây là thông tin giả mạo và không chính xác.

Về sự kiện trên, chương trình do CTCP Đầu tư và Phát triển nhân lực tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 23/5 tới tại trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình và ngày 28/5 tại trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn.

Giá vé sự kiện dao động từ 5 tới 50 triệu đồng/người.

Hoạt động mạo danh cá nhân, tổ chức để làm sự kiện gia tăng trong thời gian gần đây. Cuối năm ngoái, các đối tượng thậm chí giả mạo văn bản của Bộ Công Thương để tổ chức sự kiện nhằm kêu gọi quảng cáo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ thuật của những kẻ lừa đảo là tạo dựng thông tin dễ gây nhầm lẫn, sử dụng hình ảnh của các thương hiệu, người nổi tiếng, logo chương trình,… để tạo dựng lòng tin. Đồng thời, họ sẽ chạy quảng cáo theo chiến dịch trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút sự chú ý của người dùng. Những người muốn tham gia sẽ phải chuyển khoản để mua vé/tạm ứng.

Trước những diễn biến này, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần lưu ý ba giải pháp. Đầu tiên, khi nhận thông tin không rõ ràng, cần gọi điện trực tiếp tới tổng đài chăm sóc khách hàng của thương hiệu để kiểm tra lại hoặc nhờ người có kinh nghiệm tư vấn, phản ánh các tin giả tới thương hiệu và cơ quan chức năng.

Thứ hai, tuyệt đối không đăng nhập vào các website, đường link lạ khi chưa xác thực, chú ý các cảnh báo độc hại do các trình duyệt thông báo. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai. Không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng; đồng thời luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện.

Cuối cùng, đặc biệt cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội, dù người yêu cầu tự xưng là người thân, bạn bè. Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking… và nên đặt mật khẩu các dịch vụ ngân hàng điện tử khó đoán, tính bảo mật cao (tránh đặt ngày sinh, tên người thân, số điện thoại…).

Đức Huy