Cơ hội nào cho ông Phạm Nhật Vượng trong 'cuộc chơi' trạm sạc?
Ngày 18/3, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, thành lập công ty Phát triển Trạm sạc toàn cầu V-GREEN.
Mục tiêu công ty này là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới.
Hai năm đầu, V-GREEN dự kiến đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để xây mới và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.
Nhà phân tích từ Precedence Research nhận xét trạm sạc là một thị trường rất hấp dẫn và đầy cơ hội.
Báo cáo của đơn vị nghiên cứu này chỉ ra rằng thị trường trạm sạc toàn cầu ước đạt gần 35 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt gần 350 tỷ USD vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 29% trong cùng giai đoạn.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào cuối năm 2022, có 2,7 triệu điểm sạc công cộng trên toàn thế giới, tăng khoảng 55% so với nguồn cung năm 2021. Trong đó, Trung Quốc là thị trường sở hữu nhiều trạm sạc nhất trên thế giới, chiến tới 2/3 tổng số bộ sạc công cộng toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi các thị trường lớn đang đẩy mạnh vào việc phát triển trạm sạc.
Tháng 7 năm ngoái, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tuyên bố rằng nước này cần khoảng 1,32 triệu trạm sạc xe điện vào năm 2030. Mục tiêu của Ấn Độ là thiết lập mật độ 40 xe điện có một trạm sạc.
Trước đó, tháng 3 cùng năm, chính phủ Ấn Độ đã công bố khoản tài trợ 800 tỷ rupee (khoảng hơn 1 tỷ USD) cho các công ty như Hindustan Petroleum, Bharat Petroleum và Indian Oil để thành lập 7.432 trạm sạc nhanh xe điện công cộng trên cả nước.
Tại Trung Quốc, theo quy hoạch thành phố, đến năm 2025 chỉ tính riêng Bắc Kinh sẽ có 700.000 bộ sạc xe điện. Tháng 3/2022, BYD hợp tác với Shell để mở rộng mạng lưới sạc xe điện trên khắp Trung Quốc và châu Âu. Hai hãng sẽ phát triển mạng lưới sạc xe điện tại Trung Quốc, bắt đầu với hơn 10.000 điểm sạc ở Thâm Quyến.
Tháng 2/2023, Mỹ đầu tư 7,5 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng sạc xe điện trong khi hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nước này đã lắp đặt 6.300 bộ sạc nhanh vào năm 2022, trong đó khoảng 75% là superchargers (sạc siêu tốc) của Tesla.
Chính quyền Tokyo nâng mức trợ cấp lắp đặt trạm sạc xe điện cho chung cư lên 12.600 USD. Chính quyền thành phố có kế hoạch phủ sóng trạm sạc tại mọi công trình xây dựng toà nhà với 20% diện tích bãi đậu xe được dùng để lắp đặt.
Tháng 5/2023, Canada hợp tác với Mỹ để thiết lập hành lang trạm sạc quốc gia nối liền Michigan với Quebec.
Cùng năm, Vương quốc Anh công bố khoản trợ cấp cho người dân lên tới 75% chi phí mua và lắp đặt trạm sạc xe điện tại nhà. Cùng với đó, 18 công ty ở Anh đặt mục tiêu đầu tư 7,5 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng xe điện đến năm 2030.
Công ty Motor Fuel Group ở Anh cho biết đầu tư 50 triệu USD vào các trạm xe điện trong năm ngoái. Các trạm này cung cấp 360 bộ sạc siêu nhanh.
Năm 2022, ABB, một trong những nhà sản xuất sạc xe điện lớn nhất thế giới, đã mở rộng năng lực sản xuất với nhà máy trị giá 30 triệu USD ở Italia. Nhà máy mới đặt mục tiêu sản xuất 10.000 bộ sạc xe điện mỗi năm.
Trên thế giới đã có hàng chục công ty tham gia lĩnh vực phát triển trạm sạc, trong số đó được hậu thuẫn bởi các tập đoàn công nghiệp lớn như Scheinder Electric, ChargePoint, EVgo Services, Allego, Blink Charging, Toshiba Corporation, General Electric, Robert Bosch GmbH, Tesla, Infineon Technologies AG, Qualcomm Technologies,…
Có thể thấy chính phủ các nước cũng như các doanh nghiệp đang đầu tư nghiêm túc vào lĩnh vực phát triển trạm sạc nhiều tiềm năng này. Bởi theo các cuộc khảo sát, cơ sở hạ tầng trạm sạc là một trong hai rào cản quan trọng nhất khiến người tiêu dùng do dự khi mua ô tô điện. Giá cả là rào cản thứ hai.
Do đó, để thúc đẩy di chuyển xanh, buộc các chính phủ và doanh nghiệp phải giải được bài toán trạm sạc. Vì thế thúc đẩy thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy cơ hội lớn song chi phí để doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này cũng không hề nhỏ.
Theo Precedence Research, giá để lắp đặt trụ sạc nhanh cấp 3 và siêu nhanh ban đầu khá cao. Trong khi với xe động cơ đốt trong, hầu hết chỉ cần 5-7 phút để đổ xăng/dầu, thì những trụ sạc cấp 1, cấp 2 có thời gian sạc lên tới gần 30 phút. Để cạnh tranh với xe xăng, các doanh nghiệp trong ngành cần tập trung vào trạm sạc cấp 3.
Tại một trạm sạc cấp 3, một chiếc xe điện có thể sạc nhanh gấp 16 - 32 lần so với trạm cấp 2. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực để tăng tốc hơn nữa tại các trụ cấp 3. Trong tương lai, việc sạc đầy một chiếc xe điện tại trạm cấp 3 có thể nhanh hơn đổ xăng thông thường.
Cấp độ này còn được gọi là sạc nhanh DC (DC Fast Charging) và yêu cầu dây cáp đặc biệt để xử lý tải điện cao hơn. Theo NeoCharge, các trạm sạc cấp 3 thường được quản lý bởi các công ty bên ngoài.
Trạm siêu sạc Tesla (Tesla superchargers) là một ví dụ điển hình của trạm sạc cấp. Giống như các trạm của bên thứ ba khác, những trụ sạc này cung cấp dịch vụ sạc nhanh bằng dòng điện trực tiếp. Điểm khác biệt chính là các trạm này chỉ hoạt động với xe ô tô thương hiệu Tesla. Hiện tại, các xe điện khác không thể sử dụng trạm siêu sạc Tesla.
Trạm sạc cấp 3 cũng là mạng lưới trạm sạc mang về doanh thu lớn nhất cho các nhà phát triển trong năm 2022.
Nhiều công ty lớn đang đổ xô đầu tư vào phát triển hệ thống sạc không dây cho xe điện vì hình thức sạc này có tiềm năng tăng trưởng cao. Chẳng hạn Hyundai giới thiệu mẫu xe điện đầu tiên hỗ trợ sạc không dây là Genesis GV60.
Ngay sau đó, hãng xe Trung Quốc FAW hợp tác với tập đoàn bất động sản Wanda Group để xây dựng 60 bãi đỗ xe tự động, trong đó có trạm sạc không dây cho 60 loại xe khác nhau. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai sạc không dây và dự kiến xu hướng này sẽ lan rộng.