GSM của ông Phạm Nhật Vượng chuyển thành công ty công nghệ đa dịch vụ, mở rộng sang 9 nước
Ngày 6/3, GSM ra mắt nền tảng kinh doanh chia sẻ Xanh SM Platform dành riêng cho ô tô điện VinFast.
Đây là chiến lược mới sau một năm thành lập, đưa GSM từ một doanh nghiệp vận tải trở thành công ty công nghệ cung cấp nền tảng đa dịch vụ, tương tự Grab, Be, Gojek.
Theo công bố, Xanh SM Platform là nền tảng do GSM phát triển nhằm kết nối các chủ xe VinFast có nhu cầu cung cấp dịch vụ vận tải với khách hàng. Kể từ 20/3, các chủ xe điện VinFast trên toàn quốc có thể đăng ký trở thành đối tác kinh doanh dịch vụ vận tải của Xanh SM, bao gồm cả các địa phương Xanh SM chưa trực tiếp hiện diện.
Sau khi đăng ký thành công, các đối tác tài xế sẽ được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn dịch vụ của Xanh SM.
Chủ xe sẽ được hưởng mức chia sẻ doanh thu lên tới 80% mà theo Xanh SM mô tả là “tốt nhất thị trường hiện nay". Hiện mức chiết khẩu đối với dịch vụ ô tô của các hãng gọi xe công nghệ tại Việt Nam đều trên 30%.
Về phía GSM, công ty nhận định nền tảng Xanh SM Platform chính là đòn bẩy mạnh mẽ, thúc đẩy theo cấp số nhân độ phủ hệ thống, đưa hệ sinh thái di chuyển Xanh SM phát triển nhanh trên toàn quốc, từ đó có thể chiếm lĩnh thị trường.
“Đây cũng là bước chuyển mình chiến lược để GSM vươn lên thành một công ty công nghệ cung cấp nền tảng đa dịch vụ thuần điện trong khu vực”, doanh nghiệp nói về mục tiêu.
Bên cạnh đó, GSM cũng công bố mở rộng quy mô ra toàn cầu với 9 thị trường mục tiêu từ nay đến năm 2025. Đồng thời chuẩn bị hợp nhất ứng dụng Xanh SM tại tất cả các thị trường vào một ứng dụng duy nhất áp dụng cho toàn thế giới.
Riêng tại Việt Nam, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động tháng 4/2023, đến nay GSM đã có hơn 40 triệu lượt hành khách, với hơn 200 triệu km di chuyển.
Tháng 11 năm ngoái, GSM đã mở rộng ra thị trường nước ngoài đầu tiên là Lào. Theo kế hoạch, Indonesia, Philippines sẽ là các thị trường tiếp theo trong chiến lược mở rộng 9 thị trường quốc tế của hãng đến năm 2025.