|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thống đốc NHNN: Chưa cần thiết phải nhập khẩu vàng để can thiệp tới giá vì thị trường vẫn đang bán ròng

18:27 | 08/06/2022
Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian vừa qua, lượng người dân mua vàng miếng không nhiều, thậm chí bán ròng, tức là khi giá vàng cao thì mang đi bán, nên chưa cần tổ chức nhập khẩu, can thiệp giá.

Tại buổi trả lời chất vấn chiều ngày 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết mặc dù giá vàng tăng mạnh thời gian qua tăng mạnh nhưng nhu cầu mua vào không nhiều, đặc biệt là vàng miếng. Thậm chí số liệu thống kê cho thấy thị trường bán ròng mặt hàng này. Bởi, khi giá vàng lên cao, nhiều người tranh thủ bán ra. 

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết dù số liệu thống kê cho thấy thị trường bán ròng vàng. Bởi, khi giá lên cao, nhiều người tranh thủ bán ra.  (Ảnh: Báo Chính phủ)

“Do đó, hiện tại chưa cần phải nhập khẩu vàng, can thiệp đến giá. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án. Khi nhập khẩu vàng, chúng tôi cũng sử dụng dữ trữ ngoại hối của nhà nước.”, bà Hồng nói.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) về vấn đề chênh lệch quá cao giữa giá vàng ở Việt Nam và trên thế giới, giữa SJC với các thương hiệu khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết lý giải nguyên nhân là do nguồn cung vàng miếng trong nước hạn chế.

“Từ năm 2012, Việt Nam thực hiện chủ trương chống “vàng hoá” nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về sản xuất vàng miếng. Một phần vàng nguyên liệu nhập về được chuyển sang làm trang sức. Do đó, nguồn cung vàng miếng trong nước giảm đi. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá vàng miếng trong nước và vàng thế giới”, bà Hồng cho biết. 

Diễn biến thị trường vàng thời gian qua có nhiều biến động mạnh do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị giữa Ukraine và một loạt sự kiện thương mại, chính trị khác. 

Có thời điểm, giá vàng tăng lên 2.000 USD/ounce nhưng cũng có lúc giảm xuống 1.700 USD/ounce. 

Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại “nhạy cảm” với đà tăng còn “vô cảm” với đà giảm của giá vàng thế giới. Nói cách khác, khi giá vàng thế giới tăng, trong nước tăng rất mạnh. Còn khi giá vàng thế giới lao dốc thì giá vàng trong nước giảm nhẹ hơn nhiều.

Điều này càng làm khoảng cách vàng trong nước và vàng thế giới càng nới rộng ra, đặc biệt là SJC - loại vàng được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong khi giá vàng nguyên liệu chênh so với vàng thế giới chỉ khoảng 2 triệu thì vàng SJC chênh tới 16 - 17 triệu đồng/lượng. 

HIện giá vàng SJC quanh mốc 69,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, trong khi đó, vàng thế giới ở quanh mốc 1.849 USD/ounce. Mức chênh lệch giá giữa hai thị trường là 17,5 triệu đồng/lượng.

"Với biến động vàng thế giới như vừa qua, bản thân các doanh nghiệp bán vàng cũng lo ngại về rủi ro nên thường người ta niêm yết giá rất cao", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Tranh luận lại phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểuNguyễn Phương Thủy cho rằng việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia như vậy có phải là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng này tăng cao hay không?

"Bởi cũng đúc như thế như vàng miếng thương hiệu khác giá thấp hơn nhiều SJC. Chúng tôi thấy chênh lệch như vậy là quá lớn nên đề nghị Thống đốc có giải pháp cụ thể hơn", đại biểu Trịnh Xuân An đặt vấn đề. 

H.Mĩ