|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ ra 11 nguyên nhân dẫn đến nợ xấu

16:13 | 07/06/2017
Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng chỉ ra 6 nguyên nhân khách quan và 5 nguyên nhân chủ quan dẫn đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao thời gian qua.

Về số liệu nợ xấu, tại thời điểm tháng 9/2012 khi báo cáo Quốc hội thì tỷ lệ nợ xấu ước tính một cách thận trọng là chiếm 17,21% tổng dư nợ và cho vay nền kinh tế. Nếu đánh giá một cách toàn diện và thực chất thì con số nợ xấu ở thời điểm đó có thể cao hơn.

Tính đến 31/12/2016, Thống đốc cho hay, nợ xấu nội bảng của các TCTD hiện nay là trên 150.000 tỷ, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ, hiện chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ, chiếm 5,8% tổng dư nợ.

thong doc le minh hung chi ra 11 nguyen nhan dan den no xau
Thống đốc Lê Minh Hưng. (Ảnh: daibieunhandan).

Thống đốc nhìn nhận, nợ xấu nội bảng và nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu thì nguy cơ cao trở thành nợ xấu tức là những khoản nợ vào thời điểm khó khăn của giai đoạn 2011-2012-2013 theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Theo đó, NHNN đã phải cơ cấu lại nợ cho các tổ chức kinh tế và các đối tượng vay vốn để có cơ hội tiếp tục vay vốn và thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu tính cả những khoản này và về bản chất, NHNN đánh giá rất thận trọng là nếu đến hạn thì cũng sẽ thành nợ xấu. Tổng nợ xấu và dư nợ hiện nay là 10,08% dư nợ và tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế, Thống đốc khẳng định về con số nợ xấu.

Theo NHNN phân loại thì hiện nay, trong số tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC thì nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng trên 21%; nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ.

Về nguyên nhân của nợ xấu, nhìn từ góc độ hoạt động ngân hàng và TCTD, NHNN nhận thấy một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, về nhóm nguyên nhân khách quan, thời gian qua sự bất ổn chính trị và kinh tế trên thế giới cũng như tác động của chu kỳ kinh tế và khủng hoảng trên thị trường tài chính tiền tệ và kinh tế quốc tế tác động rất mạnh và gây tiềm ẩn, rủi ro rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng còn khó khăn và chất lượng kinh tế cũng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh.

Một yếu tố rất quan trọng ở thị trường bất động sản có một giai đoạn rất dài là trầm lắng. Các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả sản xuất còn thấp nên khi có biến động từ bên trong và bên ngoài thì đều tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vay vốn, do đó gián tiếp và trực tiếp đều gây ra nợ xấu.

Thứ hai, hiện nay quy mô hoạt động của nhiều doanh nghiệp còn rất nhỏ và phụ thuộc vào thị trường thế giới. Tình hình thời tiết ở trong nước cũng có giai đoạn như nhiều năm vừa qua rất khó khăn, gây ra tác động là khả năng không trả được nợ của các doanh nghiệp vay vốn.

Theo thống kê của Tổng cục thống kê thì trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, các yếu tố này cũng làm gia tăng nợ xấu trong nền kinh tế và nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, trong một giai đoạn các chính sách kinh tế, đặc biệt chính sách vĩ mô cũng còn thiếu tính ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.

Thứ tư, hệ thống một số các cơ chế chính sách về xử lý tài sản còn bất cập nên chưa hạn chế đến việc xử lý tài sản cũng như nợ của các TCTD.

Thứ năm, nhiều trường hợp khách hàng vay còn chây ỳ và trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Thứ sáu, thị trường vốn còn chưa phát triển tương xứng nên hệ thống ngân hàng vẫn là kênh tài trợ chủ yếu cho đầu tư và phát triển. Chính vì vậy, rủi ro chính của hệ thống tài chính chính là rủi ro của hệ thống ngân hàng. Đồng thời do mô hình tăng trưởng của chúng ta trong nhiều năm vẫn phụ thuộc vào đầu tư theo chiều rộng và sử dụng vốn vay nên nợ xấu của nền kinh tế chủ yếu là nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đấy là một số các nhóm nguyên nhân khách quan.

Về nguyên nhân chủ quan, thứ nhất, từ phía chính các TCTD, quy trình tín dụng của một số tổ chức chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để cán bộ ngân hàng và khách hàng lợi dụng. Ở một số TCTD, năng lực quản trị rủi ro còn hạn chế. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa tốt, tính tuân thủ các quy chế chưa cao, các chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ cận tín dụng ngân hàng chưa được quan tâm, cho nên dẫn đến những rủi ro trong việc cho vay.

Thứ hai, rủi ro về đạo đức của cán bộ ngân hàng, một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất và lợi dụng chức vụ quyền hạn, câu kết với khách hàng để cố ý làm trái các quy định và đe dọa đến hoạt động và tính lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng. Và các hành vi vi phạm pháp luật này trong thời gian qua đều đã, đang, sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, NHNN nhìn nhận là đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD trong 5 năm qua mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng chưa thể giải quyết được những yếu kém cơ bản của hệ thống các TCTD cũng như xử lý nợ xấu một cách triệt để.

Thứ tư, năng lực tài chính của bản thân các TCTD còn hạn chế, đặc biệt kể cả các ngân hàng thương mại của nhà nước.

Thứ năm, công tác thanh tra giám sát của NHNN còn hạn chế và chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống các TCTD trong tình hình mới. Năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ thanh tra ngân hàng còn bất cập, còn một số ít trường hợp cán bộ thanh tra giám sát của ngân hàng còn để xảy ra vi phạm pháp luật.

Tiến Vũ

Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng phiên VN-Index tăng điểm diện rộng
NĐT nước ngoài có phiên mua ròng thứ hai liên tục với quy mô 294 tỷ đồng. Giao dịch giải ngân chủ yếu tập trung trên HOSE với hơn 243 tỷ đồng.