|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thói quen người tiêu dùng thay đổi vì COVID-19, đây là những lĩnh vực có thể hưởng lợi

16:15 | 09/03/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng gia đình, thực phẩm dinh dưỡng, hay thương mại điện tử... được dự báo có thể sẽ hưởng lợi với sự xuất hiện của COVID-19, điều này trái với tâm lí bi quan của phần đông còn lại.

Các số liệu thống kê hai tháng đầu năm cho thấy dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra đã ảnh hưởng sâu rộng đến cả ba lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. 

Chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 7,4%, thấp hơn nhiều so với hai năm 2018, 2019 là 17,7% và 11,5%. Chỉ số bán lẻ, thước đo sức tiêu dùng nội địa tăng 5,3%, thấp nhất 7 năm. Xuất khẩu rau quả, thủy sản giảm mạnh 17% do những hạn chế giao thương đối với thị trường Trung Quốc. Khách du lịch quốc tế giảm 21% cùng với đó là việc hạn chế dịch chuyển của người dân trong nước do COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hàng không và du lịch. 

Những báo cáo nghiên cứu của các đơn vị phân tích thị trường cho thấy tâm lí bi quan của giới kinh doanh thậm chí còn cao hơn cả giai đoạn khủng hoảng 2011 - 2013, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp thuộc nhóm này thì có hơn 98% nhận định COVID-19 gây sụt giảm doanh thu nếu kéo dài hơn 6 tháng. Đáng chú ý, hơn 60% cho rằng mức độ sụt giảm có thể lớn hơn 50%, chiếm tỉ lệ áp đảo. Chưa đầy 2% số doanh nghiệp nhận định ngược dòng, cho rằng dịch bệnh sẽ tác động tích cực lên doanh thu; đây là những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước. 

Đối với các doanh nghiệp thuộc loại lớn, ngoài hàng không và du lịch đã đưa ra những dự báo nặng nề về số thiệt hại, trong khi các lĩnh vực khác chưa biểu hiện nhiều phản ứng. 

Có thể nói, COVID-19 không hoàn toàn tác động xấu đến toàn bộ giới kinh doanh, thay vào đó nó làm thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, thậm chí làm cho một số lĩnh vực còn hưởng lợi. 

Thói quen người tiêu dùng thay đổi vì COVID-19, đây là những lĩnh vực có thể hưởng lợi - Ảnh 1.

Người dân được dự báo sẽ đi mua hàng với tần suất ít hơn, nhưng giá trị giỏ hàng mỗi lần lại tăng lên

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng, tần suất đi mua sắm của người dân có thể sẽ giảm đi nhưng kích thước giỏ hàng sẽ tăng lên cho mỗi lần mua. Việc tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh tại nhà dự kiến vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng và bị ảnh hưởng ít hơn so với tiêu dùng bên ngoài. 

Các mặt hàng như chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân được tiêu thụ nhiều hơn do nhu cầu tự bảo vệ bản thân như nước rửa tay, nước rửa tay khô diệt khuẩn, khăn giấy ướt. Điều này cũng có thể kéo theo sự gia tăng tiêu dùng sản phẩm kem dưỡng da tay do việc rửa tay thường xuyên hơn sẽ dẫn đến khô da. 

Các doanh nghiệp xưa nay vốn sản xuất các mặt hàng kể trên có thể sẽ bị dồn đến vận hành tối đa công suất do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến, nhưng bên cạnh đó cũng thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có liên quan tham gia vào quá trình sản xuất. Các ví dụ gần đây cho thấy việc các doanh nghiệp dệt may cũng đẩy mạnh sản xuất khẩu trang để đáp ứng đủ cung cho thị trường, hay các doanh nghiệp có chuyên môn về hóa học cũng tham gia sản xuất nước rửa tay. 

Kantar Worldpanel nhận định, thực phẩm lành mạnh như trái cây, nước ép, rau củ giúp tăng khả năng miễn dịch sẽ được gia tăng tiêu thụ. Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như mì ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ… đặc biệt với những khu vực có trường hợp nhiễm bệnh hay cách li.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông CTCP GTNFoods, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng cho rằng dịch COVID-19 có thể khiến người dân tăng cường tiêu thụ các sản phẩm từ sữa và sản phẩm dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Thực tế cho thấy tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mặt hàng sữa chua và sữa chua uống được tiêu thụ rất mạnh trong thời gian qua. 

Đối với lĩnh vực bán lẻ, trong giai đoạn này, các địa điểm qui mô nhỏ, sạch sẽ và gần hơn như cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ được ưu tiên nhiều hơn so với chợ truyền thống, siêu thị hoặc đại siêu thị. 

VinMart, VinMart+, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam với khoảng 3.200 điểm bán trên toàn quốc sẽ là doanh nghiệp cảm nhận rõ nét nhất sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng. 

Đại diện VinCommerce, công ty vận hành hệ thống này cho biết ngay từ đầu đã làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo tăng nguồn cung, ưu tiên hàng hóa thiết yếu. Vị này cho biết hàng hóa tại các siêu thị sẽ luôn đảm bảo thực phẩm dồi dào và bổ sung liên tục trong ngày để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó vấn đề đảm bảo vệ sinh, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được hệ thống này khuyến khích khách hàng sử dụng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Công ty mẹ của VinCommerce, CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cũng là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ăn liền, hàng tiêu dùng lớn nhất nhất Việt Nam. Năm nay, một trong những bước đi chiến lược của Masan là đẩy mạnh sự xâm nhập của sản phẩm thịt mát MEATDeli với khách hàng trên toàn quốc và phát triển thêm các dòng sản phẩm thứ cấp cải thiện biên lợi nhuận như xúc xích, giò, chả...

COVID-19 vô tình cũng sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn đối với loại hình thương mại điện tử vốn dĩ được ước tính tăng từ 30 - 40% mỗi năm. Tính tiện lợi và ít tương tác trực tiếp khi mua hàng là những đặc điểm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong khoảng thời gian này. 

Thói quen người tiêu dùng thay đổi vì COVID-19, đây là những lĩnh vực có thể hưởng lợi - Ảnh 2.

Mua sắm trực tuyến và giao hàng được dự báo là những lĩnh vực hưởng lợi với dự xuất hiện của COVID-19

Các nền tảng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu, nhờ vào thu hút người mua mới chưa bao giờ mua sắm trực tuyến trước đó và gia tăng mức chi tiêu từ những người đã và đang mua hàng trực tuyến.

Hiện nay đến 3/4 hộ gia đình Việt Nam tại 4 thành phố chính (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) chưa mua bất kì sản phẩm tiêu dùng nhanh nào trực tuyến, theo dữ liệu Consumer Panel cập nhật đến hết năm 2019.

Tuy nhiên trong quí I, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng việc gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 sẽ ảnh hưởng tạm thời đến nguồn cung hàng hóa và tương ứng sản lượng chuyển phát e-commerce, do chủ yếu các sản phẩm bán qua hình thức này thuộc lĩnh vực thời trang và điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc. Kì vọng phục hồi được công ty chứng khoán này nhận định sẽ bắt đầu từ quí II. 

CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post), một doanh nghiệp chuyển phát niêm yết trên sàn chứng khoán đang có kế hoạch tiếp tục triển khai các ý tưởng đầu tư mới nhằm củng cố vị thế cạnh tranh trong năm 2020. Theo VCSC, công ty này sẽ nhận thêm 469 điểm bán (POS) từ Viettel Telecom (cùng thuộc Tập đoàn Viettel) nâng mạng lưới lên 1.432 bưu cục và 827 cửa hàng. 

Ngoài ra, Viettel Post cũng có kế hoạch mở rộng công suất phân loại hàng hóa tự động trong năm 2020 cùng với đầu tư mới vào e-fulfillment và hệ thống kho thông minh, điều này có thể làm cải thiện công suất phân loại hàng hóa tự động, cải thiện hiệu quả chi phí...

Đông A

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.