|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thời ETF nội giải quyết bài toán cổ phiếu hết ‘room’

13:06 | 08/06/2020
Chia sẻ
Sau khi vận hành, hai ETF nội hút tiền mạnh mẽ, góp phần tích cực vào dòng tiền trên thị trường. Theo đánh giá của chuyên gia, trong một vài năm tới, 2 ETF mới dựa trên rổ VN Diamond và VNFin Lead sẽ nhanh chóng nằm trong top các ETF có qui mô lớn nhất thị trường.

Hai ETF mới hút vốn, qui mô tăng "bằng lần" sau thời gian ngắn ra mắt

Không quá để nói rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ sau khi bị bán tháo do lo ngại dịch COVID-19. Thậm chí, sức tăng của nhiều của nhiều mã bluechip còn lớn hơn thời điểm thị trường trong nhóm tăng mạnh nhất toàn cầu quí I/2018.

Thanh khoản của thị trường duy trì mức cao, nhà đầu tư thường xuyên chứng kiến các phiên có giá trị giao dịch 7.000 – 8.000 tỉ đồng. Một phần đóng góp vào thanh khoản của thị trường đó là dòng vốn từ các ETF mới.

Thời ETF nội giải quyết bài toán cổ phiếu hết ‘room’ - Ảnh 1.

Nguồn: Lợi Hoàng

Theo thống kê, sau khi vận hành vào cuối tháng 2, qui mô của ETF SSIAM VNFin Lead do Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) phát triển tăng gần gấp đôi. Tính đến hết ngày 5/6, qui mô của ETF SSIAM VNFin Lead tăng lên 52,2 triệu chứng chỉ quĩ (ccq). Được biết, đây là ETF theo ngành đầu tiên trên thị trường, cụ thể là những mã ngành tài chính.

Một ETF cũng được phát triển trên rổ chỉ số mới VN Diamond là ETF VFMVN Diamond (FUEVFVND) cũng hút tiền chỉ sau thời gian ngắn ra mắt. Theo đó, qui mô của ETF tăng gần 6 lần lên 60 triệu ccq tính đến hết ngày 5/6.

Qui mô ETF trên thị trường vượt 1 tỉ USD, quĩ nội đang chiếm ưu thế

Với việc qui mô phát triển mạnh trong những năm gần đây, các ETF nội đang vượt trội hơn so với sức phát triển của các ETF ngoại.

Thời ETF nội giải quyết bài toán cổ phiếu hết ‘room’ - Ảnh 2.

Nguồn: Lợi Hoàng

Theo thống kê của người viết, tính đến ngày 6/6, tổng giá trị danh mục của các ETF phân bổ vào TTCK Việt Nam khoảng 1,013 tỉ USD. Trong đó, ETF nội VFMVN30 đang có qui mô đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam lớn nhất.

VNM ETF là quĩ có tổng giá trị tài sản lớn nhất nhưng ETF này chỉ đang phân bổ gần 69% danh mục đầu tư vào TTCK Việt Nam, tương đương 237 triệu USD. Bên cạnh đó, iShare MSCI Frontier 100 ETF đang phân bố 13,05% danh mục vào TTCK Việt Nam, tương đương 47,3 triệu USD.

FTSE ETF đứng thứ ba về qui mô hiện nay với giá trị tài sản ròng là 226,4 triệu USD, theo sau đó là KIM ETF (Hàn Quốc) với giá trị danh mục khoảng 161 triệu USD.

Mặc dù chỉ mới đi vào vận hành hơn 3 tháng, nhưng qui mô của hai ETF mới là ETF SSIAM VNFin Lead và ETF VFMVN Diamond có phần nhỉnh hơn so với quĩ đến từ Hong Kong là Premia MSCI Vietnam ETF.

Đáng chú ý hơn, các ETF ngoại như VNM ETF, FTSE và KIM ETF đang có xu hướng rút ròng trong một năm gần đây. Xu hướng dài hơn, FTSE ETF đã liên tục rút ròng trong ba năm gần. Việc đi ngược xu hướng và hút tiền trên thị trường của các ETF nội là một tín hiệu tích cực.

Việc tăng qui mô gần 260 triệu USD của VFMVN30 ETF trong 3 năm để trở thành quĩ hoán đổi hàng đầu thị trường là minh chứng rõ nét về sức phát triển của ETF nội.

Đánh giá về sự phát triển hai ETF nội mới, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức – Phát triển Khách hàng Tổ chức của Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đánh giá: "Các quỹ ETF mới đều là sản phẩm đáp ứng tương đối tốt nhu cầu của nhà đầu tư, cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, ETF VN Diamond giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận và mua một danh mục các cổ phiếu hết "room" mà trước đây họ không mua được hoặc phải trả giá premium tương đối cao để sở hữu"

Các cổ phiếu trong danh mục VN Diamond đều là các cổ phiếu đầu ngành, các chỉ số về hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng, định giá, tỉ suất sinh lời cổ phiếu… đều tốt hơn mức trung bình của thị trường. Điều này lí giải vì sao VFMVN Diamond là sản phẩm tương đối hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường Việt Nam và chưa sở hữu nhiều các cổ phiếu hết "room".

"Quĩ VN Finlead lại phù hợp với các quĩ đã tham gia vào thị trường Việt Nam và cần benchmark theo thị trường. Theo đó, hầu hết các quĩ sẽ phải cân nhắc mua một lượng lớn tỉ trọng cổ phiếu ngành tài chính do đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Index.

Việc hầu hết các cổ phiếu hấp dẫn trong ngành (VPB, TCB, MBB, ACB, VIB, TPB…) đều đã hết "room" dẫn đến việc rất khó có thể mua đủ tỉ trọng ngành cần thiết. Do đó, VN Finlead là một giải pháp khá tốt do danh mục này đã bao gồm đầy đủ các cổ phiếu tài chính tốt đã hết "room" trong ngành", ông Nguyễn Anh Đức phân tích thêm.

Dự báo về sự phát triển của hai ETF mới, vị chuyên gia của Chứng khoán SSI cho rằng: "Tiềm năng tăng trưởng về qui mô của 2 ETF mới này là khá lớn. Chúng tôi tin rằng trong một vài năm tới, hai ETF này sẽ nhanh chóng nằm trong top các ETF có quy mô lớn nhất thị trường".

Lợi Hoàng