|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Từ câu chuyện của MWG: Nhìn thẳng vào phát hành ESOP của các công ty khác trên sàn

08:24 | 08/06/2020
Chia sẻ
Từ việc là giải pháp động viên cán bộ công nhân viên thì câu chuyện ESOP lại đang được coi như “xung đột lợi ích” giữa doanh nghiệp niêm yết và các cổ đông. Nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu bị pha loãng.
Từ câu chuyện của MWG: Nhìn thẳng vào phát hành ESOP của các công ty khác trên sàn - Ảnh 1.

Câu chuyện ESOP của Thế giới Di động là điểm nóng tại ĐHĐCĐ năm nay. Ảnh: Lợi Hoàng

Nhà đầu tư đang coi ESOP là xung đột lợi ích?

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các công ty niêm yết thực hiện chính sách phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) như phần thưởng sau một năm kinh doanh khởi sắc.

Tuy nhiên, với mức giá ESOP ưu đãi, thường có giá 10.000 đồng/cp và thấp hơn đáng kể so với thị giá khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Một vấn đề khác là nhà đầu tư quan tâm việc phát hành ESOP làm pha loãng cổ phiếu, ảnh hưởng đến giá trị. Cùng với đó là những hoài nghi: "Ai được mua ESOP?, Có sự bất minh gì trong việc phát hành không?".

Từ những vấn đề trên cho thấy rằng, từ việc là giải pháp động viên cán bộ công nhân viên thì câu chuyện ESOP lại đang được coi như "xung đột lợi ích" giữa doanh nghiệp niêm yết và các cổ đông, nhà đầu tư trên thị trường.

Mới đây nhất, câu chuyện ESOP lại "nóng" lên tại đại hội cổ đông của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), doanh nghiệp được biết đến với việc liên tục phát hành ESOP kể từ khi đưa cổ phiếu niêm yết trên HOSE vào tháng 7/2014.

Nhìn thẳng vào các con số thống kê

Để tổng quan hơn về câu chuyện này, người viết thống kê hoạt động phát hành ESOP gần nhất của một số công ty niêm yết trên sàn trong hai năm 2019 – 2020.

Từ câu chuyện của MWG: Nhìn thẳng vào phát hành ESOP của các công ty khác trên sàn - Ảnh 2.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Thống kê tại 16 công ty trên sàn, nếu xét theo tiêu chí số lượng cổ phiếu phát hành ESOP so với lượng cổ phần đang lưu hành thì Thế giới Di động đang nằm trong nhóm doanh nghiệp có tỉ lệ cao. Tháng 1/2020, công ty này thực hiện ESOP hơn 10,5 triệu cổ phiếu, tương đương 2,32% số cổ phần tại thời điểm phát hành.

Tỉ lệ này thấp hơn một doanh nghiệp khác trong ngành điện máy là Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, Mã: DGW). Đầu tháng 4 vừa qua, Digiworld phát hành ESOP 1,2 triệu cp, tương đương gần 2,9% số cổ phần đang lưu hành.

Tại một số doanh nghiệp khác, tỉ lệ cổ phần ESOP đang giữ dưới mức 2% số lượng cổ phần đang lưu hành. Đơn cử như Tập đoàn Masan (Mã: MSN), Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, Mã: MCH), Tập đoàn FPT (Mã: FPT) thì tỉ lệ này chỉ đạt khoảng 0,5%.

Cùng với việc xem xét tỉ lệ phát hành, hai tiêu chí số lượng người được mua ESOP và số lượng cổ phiếu trung bình trên một người được người viết đưa ra.

Từ câu chuyện của MWG: Nhìn thẳng vào phát hành ESOP của các công ty khác trên sàn - Ảnh 3.

Nguồn: Lợi Hoàng

Về số lượng người lao động được mua cổ phiếu ESOP, theo thống kê thì Thế giới Di động phát hành ESOP cho 4.072 nhân viên. Con số này nhiều hơn tổng số người được mua ESOP của 15 công ty còn lại trong thống kê.

Ghi nhận trong số đó, Dược Hà Tây (Mã: DHT) là công ty có số lượng người được phát hành ESOP thấp nhất. Duy nhất một lãnh đạo được mua ESOP trong đợt phát hành năm ngoái của doanh nghiệp này là ông Lê Xuân Thắng, Tổng Giám đốc công ty.

Tuy nhiên, đây cũng là doanh nghiệp áp dụng thời gian "khóa" giao dịch ESOP lâu nhất. Đến tháng 6/2024, Tổng Giám đốc của Dược Hà Tây mới được giao dịch số lượng cổ phiếu trên, tức 5 năm sau phát hành.

Một số doanh nghiệp khác có số lượng người được mua ESOP dưới 100 người như Tập đoàn Masan, Digiworld, Nam Việt, Nam Long, Chứng khoán Bản Việt.

Trái với việc dẫn đầu về tỉ lệ phát hành ESOP đứng top đầu, thì Digiworld là đứng top cuối về số lượng nhân viên được mua ESOP. Tại hai doanh nghiệp khác là Vàng Bạc đá quý Phú Nhuận và Masan Consumer thì số lượng người được mua lần lượt là 305 người và 582 người.

Từ câu chuyện của MWG: Nhìn thẳng vào phát hành ESOP của các công ty khác trên sàn - Ảnh 4.

Nguồn: Lợi Hoàng

Với thống kê về số cổ phiếu trung bình được mua, rõ ràng rằng số lượng nhân viên được mua ESOP càng thấp thì số cổ phiếu ESOP trung bình trên mỗi đầu người sẽ cao lên. 

Do đó, không mấy ngạc nhiên khi Dược Hà Tây dần đầu trong bảng xếp hạng khi chỉ có Tổng Giám đốc của doanh nghiệp này được thưởng ESOP. 

Theo sau Dược Hà Tây, với việc phát hành ESOP cho 25 nhân viên thì Tập đoàn Masan đứng thứ hai về số lượng cổ phiếu ESOP bình quân đầu người với 231.876 cp/người.

Trong nhóm công ty chứng khoán, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) là công ty dẫn đầu với số lượng bình quân là 60.976 cp/người, cao hơn Chứng khoán HSC (43.470 cp/người), Chứng khoán Bản Việt (18.920 cp/người).

Tại nhóm bất động sản, Địa ốc No Va (Mã: NVL) có số lượng cổ phiếu ESOP bình quân đầu người là 53.460 cp/người trong khi Nam Long (23.108 cp/người), Khang Điền (22.794 cp/người).

Với nhóm ngân hàng, VPBank có số lượng cổ phiếu ESOP bình quân đầu người là 42.759 cp/người. Một số doanh nghiệp ghi nhận ở mức trung bình trong nhóm thống kê như FPT (24.578 cp/người), PAN (17.647 cp/người).

Xét theo số cổ phiếu ESOP bình quân đầu người mua, Thế giới Di động và Masan Consumer lại đứng cuối với 2.584 cp/người và 5.239 cp/người.

Tuy nhiên, công bằng để nói rằng việc xem xét số lượng cổ phiếu phát hành ESOP bình quân trên đầu người mua như trên đây vẫn đang "cào bằng", chưa tính đến khoảng cách về số lượng cổ phiếu thấp nhất và cao nhất mỗi người được mua.