|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thoái vốn tại Habeco: Đối tác chiến lược sẵn sàng trả mức giá công bằng

07:04 | 13/03/2018
Chia sẻ
Trao đổi với Tiền Phong bên lề chuyến thăm Việt Nam, ông Cees‘t Hart, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Carlsberg cho hay, Carlsberg mong muốn được gia tăng cổ phần sở hữu tại Habeco và sẵn sàng trả mức giá công bằng khi mua cổ phần tại Habeco.
thoai von tai habeco doi tac chien luoc san sang tra muc gia cong bang Habeco đang tụt lùi trong cuộc chiến giành thị phần bia Việt?
thoai von tai habeco doi tac chien luoc san sang tra muc gia cong bang Tiếp tục thoái vốn Nhà nước ở Petrolimex, VEAM, Habeco trong năm 2018

Việc Chính phủ Việt Nam tuyên bố thực hiện nhanh thoái vốn khỏi các doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ông đánh giá thế nào về thị trường bia rượu của Việt Nam trong các năm tới đây?

Chúng tôi đã hoạt động tại Việt Nam 25 năm nay và đã chứng kiến các thay đổi tại Việt Nam. Tôi vẫn ấn tượng bởi một bài báo nói rằng tốc độ tăng trưởng của cải của Việt Nam trong thập kỷ qua là rất tốt, thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc. Sự phát triển của nền kinh tế, tầng lớp trung lưu, và việc Việt Nam có một cơ cấu dân số tương đối trẻ đều là những yếu tố thuận lợi để phát triển hơn nữa thị trường bia. Chính vì vậy, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng và tin tưởng rằng ngành sản xuất bia Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Carlsberg hoàn toàn ủng hộ chương trình và mục tiêu của Chính phủ đối với quá trình thoái vốn tại một số doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Sabeco và Habeco, bởi chính sách này sẽ tạo điều kiện tăng cường đầu tư hơn nữa cho các thương hiệu bia trong nước và tạo nền móng để các thương hiệu này có thể dành được vị trí của những thương hiệu bia có chất lượng cao nhất, được ưa chuộng nhất trong khu vực. Là nhà đầu tư với cam kết dài hạn tại Việt Nam, trong phạm vi có thể, chúng tôi đã và sẽ nỗ lực làm một đối tác trung thành của Chính phủ, góp phần giúp Chính phủ thực hiện quá trình thoái vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trong thời gian qua, Carlsberg đã đầu tư, góp vốn vào nhiều thương hiệu của Việt Nam và cũng đã nhiều lần ngỏ ý muốn rót thêm vốn đầu tư vào Tổng công ty Cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco). Vì sao Carlsberg lại chọn Habeco thay vì các đơn vị khác?

Carlsberg là nhà đầu tư chiến lược của Habeco từ 2008 với hơn 17% cổ phần và chúng tôi mong muốn tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu ở Habeco để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của công ty. Chúng tôi cho rằng Bia Hà Nội là một thương hiệu mạnh và Habeco cũng là một doanh nghiệp tốt, có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa. Trong tương lai, khi chúng tôi mở rộng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam – và giả sử là chúng tôi có thể tăng được tỷ lệ sở hữu tại Habeco – chúng tôi muốn được tiếp tục giữ gìn và phát triển thương hiệu Bia Hà Nội.

Cũng cần nói thêm rằng, là nhà đầu tư chiến lược tại Habeco với quyền ưu tiên mua, chúng tôi ý thức rất rõ việc có quyền ưu tiên mua không có nghĩa là không cần phải trả mức giá công bằng khi Nhà nước thoái vốn. Carlsberg mong muốn được gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Habeco và sẵn sàng trả mức giá công bằng khi mua thêm cổ phần tại doanh nghiệp này.

Có những lo ngại sau khi bán cho nhà đầu tư nước ngoài, những thương hiệu bia lâu đời của Việt Nam như Bia Hà Nội hay Bia Sài Gòn sẽ có nguy cơ dần mất đi. Vậy theo ông, người tiêu dùng Việt sẽ được hưởng lợi gì với sự có mặt của Carlsberg khi tham gia vào quá trình thoái vốn tại Habeco?

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm cần phải bảo vệ thương hiệu sau mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên, Carlsberg cũng có nhìn nhận khác về vấn đề này. Chiến lược phát triển của Carlsberg là dựa trên việc giữ gìn và phát triển các thương hiệu địa phương. Chúng tôi tin tưởng vào việc các doanh nghiệp toàn cầu gìn giữ các thương hiệu địa phương. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi không cố gắng quốc tế hoá các doanh nghiệp trong nước mà thay vào đó chúng tôi đầu tư, phát triển các thương hiệu nội địa.

Trong suốt 25 năm hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi gắn bó với thương hiệu Huda, Huda Gold và Halida. Doanh thu từ các thương hiệu thuần Việt này tại Việt Nam chiếm tới 90%. Chúng tôi cũng đã có hơn 25 năm hoạt động ở châu Á, khoảng 75% doanh thu cũng đến từ các thương hiệu bia địa phương. Ở Nga hoặc ở khu vực Tây Âu cũng vậỵ, doanh thu là từ các thương hiệu nội địa luôn chiếm khoảng 75% đến 80%.

Chúng tôi cũng có mặt ở nhiều quốc gia khác được một thời gian dài. Ở nhiều nước, chúng tôi không được biết đến với cái tên Carlsberg, mà ví dụ ở Thụy sĩ là Feldschlôsschen, hoặc Ringnes ở Na Uy, Kronenbourg ở Pháp, ở Nga là Baltika. Tôi chỉ nêu một vài ví dụ về các doanh nghiệp mà chúng tôi đã mua lại để cho thấy Carlsberg thực sự phát triển nhờ các thương hiệu bia địa phương.

Tại Việt Nam, chúng tôi luôn coi mình là một doanh nghiệp Việt, có quan hệ mật thiết với các bên liên quan, như Chính phủ, người tiêu dùng, đối tác thương mại, khách hàng. Chúng tôi cũng vận hành doanh nghiệp theo cách thức của người Việt, đồng thời bổ sung thêm các yếu tố về công nghệ sản xuất bia, kiến thức xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, hay quản lý nguồn nhân lực để giúp cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa.

Cảm ơn ông.

Phạm Tuyên