|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thoái vốn Nhà nước khỏi Vinamilk ngay trong 2016

20:29 | 14/09/2016
Chia sẻ
Chia sẻ với báo chí chiều nay (14/9), ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, ngay trong năm nay, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bắt đầu thực hiện thoái vốn Nhà nước khỏi Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM).
thoai von nha nuoc khoi vinamilk ngay trong 2016

Nhà nước sẽ thoái vốn khỏi Vinamilk ngay trong năm nay (Ảnh minh họa)

“Đương nhiên có thể bán một phần hoặc bán hết cổ phần tại Vinamilk tùy vào tình hình. Với doanh nghiệp lớn như Vinamilk thì cần lựa chọn bán trình tự làm sao để lợi ích Nhà nước đạt cao nhất”, ông Tiến cho biết. Với 9 doanh nghiệp lớn còn lại sẽ lên kế hoạch để bán vốn Nhà nước trong năm nay và đầu năm sau.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý rằng, do Vinamilk là một doanh nghiệp rất lớn, quy mô được đánh giá cách đây 2-3 tuần đã lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Do đó, nếu tung toàn bộ cổ phần VNM ra thị trường cùng một lúc thì thị trường sẽ không hấp thụ được và sẽ gây xáo trộn trên thị trường chứng khoán.

“Phải có lộ trình và có sự tham gia của nhà đầu tư ngoài, như vậy mới đủ nguồn lực mua. Anh nào trả cao nhất thì bán chứ không thể thỏa thuận được. Phải đảm bảo lợi ích Nhà nước ở mức cao nhất. Vinamilk là một cô gái đẹp, chúng ta không thể bán vội, bán rẻ”, ông Tiến cho hay.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, nếu bán cổ phần Vinamilk với khối lượng lớn trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn ở những doanh nghiệp Nhà nước khác. “Cái ngon nhất mà mình bán hết năm nay thì năm sau thị trường èo uột. Điều đó không hay!”, ông Tiến nhìn nhận.

Để thực hiện thoái vốn khỏi Vinamilk, ông Tiến cho biết, dự kiến sẽ phải có sự tham gia của tư vấn nước ngoài, đủ trình độ, chất lượng. Giá khởi điểm sẽ dựa trên định giá của tư vấn độc lập và dựa trên giá giao dịch của cổ phiếu VNM trên thị trường. Toàn bộ quá trình này sẽ được giao sát chặt chẽ, đảm bảo được mức giá hợp lý nhất.

“Vinamilk hiện không chỉ dừng lại ở thương hiệu nội mà đã là thương hiệu khu vực nên việc bán cổ phần cũng không thể bó hẹp tại Việt Nam mà phải chào quốc tế”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Hiện tại, vốn hóa của Vinamilk trên thị trường chứng khoán đạt mức trên 209.000 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà nước đang nắm 649,26 triệu cổ phần tại Vinamilk, chiếm 44,73% vốn điều lệ doanh nghiệp này. Đóng cửa phiên giao dịch 14/9, giá cổ phiếu VNM ở mức 144.000 đồng/cổ phần sau khi đã sụt giảm 900 đồng tương ứng giảm 0,6%. Với mức thị giá này, giá trị phần vốn Nhà nước ở Vinamilk đang đạt 93.493,4 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD).

Ngoài ra, liên quan đến việc giữ thương hiệu Vinamilk nói riêng và thương hiệu của các doanh nghiệp lớn khác nói chung, ông Đặng Quyết Tiến cho hay, cổ đông Nhà nước giữ cổ phần vàng, có thể không cần hưởng cổ tức nhưng sẽ quyết định việc có thông qua hay không qua vấn đề thay đổi thương hiệu. Tất nhiên, quy định này phải có trong Điều lệ của doanh nghiệp, mà ở đây Điều lệ ban đầu do cổ đông Nhà nước quyết định rất quan trọng.

Ngoài ra, nhưng cổ đông nắm 36% vốn điều lệ thì sẽ có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng tại đại hội đồng cổ đông, trong đó có vấn đề thay đổi thương hiệu.

Theo Bích Diệp

Dân trí