Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế sợi polyester từ VN lên đến 72,56%
Công nhân sản xuất tại một công ty dệt may tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Thu Nguyệt |
Cụ thể, Tổng vụ Nhập khẩu – Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ (MOE) đã ban hành quyết định cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá với sợi dún polyester nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Theo quyết định này, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam là 34,81% - 72,56%, và doanh nghiệp Thái Lan là 6,88% - 37,69%.
Trước đó, vào đầu tháng 9-2016, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) cho rằng biên độ bán phá giá Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đối với sợi dún polyester filament (DTY) nhập khẩu từ Việt Nam (34,81% - 72,56%) là cao bất hợp lý.
STK cho biết kể từ khi MOE khởi xướng vụ điều tra trên vào hôm 15-5-2015, STK đã phối hợp với MOE để đáp ứng yêu cầu điều tra. STK cũng thuê công ty tư vấn chuyên về điều tra chống bán phá giá của Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị các số liệu và câu trả lời cho MOE.
Theo tính toán của công ty tư vấn, số liệu của STK cho thấy công ty không bán phá giá tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vì giá xuất khẩu của STK sang thị trường này trong giai đoạn điều tra, tức từ năm 2012 đến năm 2014, cao hơn giá bán nội địa bình quân là 3,5%. Tuy nhiên, trong thông báo của MOE khi ấy, mức độ phá giá của STK được xác định ở mức cao là 34,81%.
Theo đánh giá của công ty tư vấn, cách thức xác định biên độ phá giá của MOE đối với STK có nhiều thiếu sót, không minh bạch và trái ngược với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). STK cũng cho biết thêm, số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 2012-2014, các công ty sản xuất sợi DTY tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoạt động tốt, các chỉ số chính như doanh số, doanh thu và lợi nhuận đều ghi nhận sự tăng trưởng.
Ngoài ra, theo STK, giá xuất khẩu của Việt Nam cao hơn 4% so với Thái Lan nhưng biên độ bán phá giá của Việt Nam lại được MOE xác định cao hơn nhiều so với Thái Lan. Cũng theo STK, việc MOE sử dụng giá thành của một số nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ cộng với tỷ lệ lợi nhuận 10% để tính mức độ phá giá là không công bằng bởi rất nhiều khoản mục chi phí bị loại trừ khỏi giá bán xuất khẩu của các công ty Việt Nam, trong khi nhiều khoản mục chi phí tương tự lại được giữ lại trong giá thành của đơn vị sản xuất phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong sáu tháng đầu năm 2016, tỷ trọng đóng góp của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vào doanh thu của công ty STK là 27%, trong khi trong năm 2014 và năm 2015 lần lượt là 44% và 38%. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá, STK đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đang mở rộng các thị trường mới như Hàn Quốc và tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới để hạn chế bớt tác động của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiện chống bán phá giá một mặt hàng sợi khác (yarn of man-made or synthetic or artificial staple fibres) nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Hy Lạp, Pakistan và Thái Lan. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá 19,48% đến 25,25% đối với sản phẩm sợi này của Việt Nam, trong 5 năm bắt đầu từ tháng 8-2014.
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/3 lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thị trường này áp thuế chống bán phá giá với sợi Việt Nam trong vài năm qua, khiến doanh nghiệp chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi vào Trung Quốc. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu sợi sang thị trường Hàn Quốc nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc.