|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thiếu 160.000 tỉ đồng làm đường bộ cao tốc nhưng khó huy động từ ngân hàng

20:52 | 18/08/2020
Chia sẻ
Các dự án BOT, BT giao thông có qui mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài… tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng. Những vướng mắc phát sinh thời gian qua về thu phí tại các trạm BOT dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến, gây nợ xấu tạo áp lực lớn cho các nhà băng.

Theo tin từ Báo Điện tử Chính phủ, sáng ngày 18/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan về tình hình triển khai dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

 - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, với 6 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, hiện 3 dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và đường đầu cầu Mỹ Thuận 2 đã triển khai thi công từ tháng 9/2019, phần cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công ngày 19/8.

Với 3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) hiện các ban quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến sẽ khởi công các gói thầu đầu tiên trong tháng 9/2020.

Với 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), Bộ GTVT cho biết dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.

Đến nay, ngoài 3 dự án đang triển khai thi công, đã hoàn thiện xong thiết kế kĩ thuật và thực hiện đấu thầu 8 dự án còn lại.

Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu trong chiến lược phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam là đến năm 2020 phải đưa vào khai thác 2.000 km đường cao tốc thì kết quả này đang chậm.

Hiện, mới có khoảng 1.400 km đường cao tốc đang được khai thác. Như vậy, nếu dồn toàn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thì phải hết năm 2021 mới có thể cơ bản hoàn thành mục tiêu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể khởi công 3 dự án thành phần đã chuyển đổi sang đầu tư công ngay trong tháng 9/2020.

Khó huy động vốn ngân hàng

Riêng với 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, theo hồ sơ mời thầu, tổng vốn đầu tư 5 dự án khoảng 39.530 tỉ đồng (vốn ngân sách là 20.136 tỉ đồng, chiếm 51% còn lại là vốn nhà đầu tư huy động 19.394 tỉ đồng). Nhu cầu vốn tín dụng trung bình khoảng 3.100 tỉ đồng/dự án.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng nhà nước, hiện "khó có thể xem xét, tài trợ vốn cho các dự án giao thông mới".

Bởi, hầu hết các dự án BOT, BT giao thông có qui mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài… tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng. Trên thực tế, những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua về thu phí tại các trạm BOT dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến, gây nợ xấu tạo áp lực lớn cho các tổ chức tín dụng.

Việc cho vay của các tổ chức tín dụng đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng sẽ tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Theo kế hoạch chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam phải đưa vào vận hành khoảng 3.000 km đường cao tốc nữa. Giai đoạn 5 năm (2021-2025), phải hoàn thành được từ 1.300 - 1.500 km đường cao tốc, tương ứng với nhu cầu vốn khoảng 260.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT dự kiến sẽ được giao 300.000 - 350.000 tỉ đồng vốn, tuy nhiên chỉ  100.000 tỉ đồng trong số này được dùng để làm đường bộ cao tốc. Như vậy, sẽ thiếu khoảng 160.000 tỉ đồng nữa mới đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu.

"Chúng ta phải huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư, trong đó vai trò của ngân hàng là đặc biệt quan trọng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các ngân hàng tham gia vào các dự án giao thông?", Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn để ngân hàng có thể tham gia 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, muốn ngân hàng tham gia vào dự án giao thông thì chính dự án đó phải có hiệu quả và "không thể dùng mệnh lệnh để ép ngân hàng cho vay".

Trước hết, các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ KH&ĐT phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PPP vừa được Quốc hội ban hành.

Về phía cơ quan quản lí nhà nước lĩnh vực giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải hoàn thiện hệ thống qui hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc trên cơ sở đó kế hoạch hoá đầu tư, tính toán được thời gian thu hồi vốn.

"Những vấn đề của các dự án BOT trước đây chúng ta gặp phải không thể để ảnh hướng tới các dự án hiện tại. Bởi các dự án mới này đều được xây dựng bài bản, nghiên cứu kĩ càng trên cơ sở khoa học, chúng ta tính toán làm sao có phương án thu phí tối ưu, đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn hiệu quả, đảm bảo để ngân hàng tham gia tích cực", Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ GTVT xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn tới, tăng tỉ lệ các dự án đầu tư công để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng, ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật PPP bởi "đây là cơ hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BOT nói chung".

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngân hàng nhà nước đề xuất chính sách cụ thể tháo gỡ cho các ngân hàng thương mại để có cơ chế tham gia các dự án giao thông trong thời gian tới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với quan điểm để Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm cao nhất đối với hệ thống đường cao tốc  Bắc - Nam.

Hoàng Kiều