|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường xuất khẩu gạo châu Á đáng thất vọng trong 6 tháng đầu năm 2019

20:15 | 29/07/2019
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2019, xuất khẩu gạo tại các quốc gia châu Á, kể cả tại các trung tâm xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, không ghi nhận nhiều diễn biến tích cực vì nhu cầu duy trì ảm đạm.

Tại Việt Nam, báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 ước đạt 625.000 tấn với giá trị đạt 275 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 giảm 2,8% so với cùng kì năm 2018 xuống 3,39 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu giảm 19% xuống 1,46 tỉ USD.

Philippines xếp vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 với 35,7% thị phần.

Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu yếu tại các thị trường chính như Trung Quốc, Philippines là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm. 

Còn nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, Thái Lan, đã bán 4,2 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm, với đơn đặt hàng trong hai tháng cuối giảm còn 600.000 tấn/tháng. Khối lượng này dưới mức trung bình tháng là 800.000 tấn.

Thái Lan đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu gạo và có thể không đạt được mục tiêu 9,5 triệu tấn đặt ra trong năm nay, vì đồng baht đang là đồng tiền thể hiện tốt nhất tại châu Á và giao dịch gần đỉnh 6 năm so với USD, theo Reuters.

"Gạo Thái rất đắt vì tỷ giá ngoại hối", Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho hay.

paddy-rice-with-rice-uncooked-bag-spike-rice-form-field-farmland_47021-15

Thị trường xuất khẩu gạo châu Á ảm đạm trong 6 tháng đầu năm.

Vấn đề đồng nội tệ mạnh cũng đang gây áp lực lớn đối với Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong bối cảnh nhu cầu thấp và các thị trường xuất khẩu chính như Bangladesh và châu Phi gặp khó khăn. 

Cuối tháng 5, chính phủ Bangladesh đã quyết định xuất khẩu 1 - 1,5 triệu tấn gạo trong năm nay để hỗ trợ người nông dân. Quốc gia Nam Á đã trở thành nhà nhập khẩu gạo ròng vào năm 2017 sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng. 

Trong khi đó, gạo giá rẻ từ các quốc gia gia như Trung Quốc và Thái Lan đang dần nuốt gọn thị trường truyền thống của Ấn Độ, châu Phi.

Tăng giá hỗ trợ tối thiểu đối với lúa, cùng với đống rupee mạnh so với USD, đã khiến gạo Ấn Độ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới, theo Hindu Business Line

Trong tuần tính đến ngày 26/7, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đã tăng 7 USD/tấn so với tuần trước đó lên 381 - 384 USD/tấn. 

Xuất khẩu gạo non-bastami đã giảm còn 711.000 tấn trong giai đoạn tháng 4 - 5 từ mức 1,525 triệu tấn trong cùng kì năm ngoái. Về giá trị, xuất khẩu giảm từ 652 triệu USD trong năm ngoái xuống 294 triệu USD.

Các quan chức trong ngành mới đây nhận định, xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm vì nhu cầu yếu từ các quốc gia châu Phi và các nhà xuất khẩu không nhận được hỗ trợ từ chính phủ như thời gian trước. 

Sự trỗi dậy từ các quốc gia nhỏ

Theo báo cáo từ Ban thư kí Dịch vụ Một cửa về Xuất khẩu gạo của Campuchia, quốc gia Đông Nam Á đã bán tổng cộng 281.538 tấn gạo sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới trong nửa đầu năm 2019, tăng 3,7% so với cùng kì năm ngoái, với Australia là thị trường mới.

Mặc dù thuế quan từ Liên minh châu Âu (EU) khiến xuất khẩu sang thị trường này đã giảm 32% so với cùng kì năm ngoái xuống còn 93.503 tấn, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 66% trong cùng thời kì lên 118.401 tấn. 

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của gạo xay xát Campuchia. Hồi tháng 1, Trung Quốc đã đồng ý tăng hạn ngạch nhập khẩu đối với gạo xay xát của Campuchia thêm 100.000 tấn, nâng hạn ngạch lên 400.000 tấn.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng thúc đẩy xuất khẩu gạo của Myanmar bằng cách nâng hạn ngạch nhập khẩu từ quốc gia này lên 400.000 tấn. 

Để nâng cao chất lượng xuất khẩu của Myanmar và thúc đẩy nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa địa phương, đồng thời tăng thu nhập cho các nhà sản xuất trong nước, Bộ Thương mại Myanmar cũng cho phép công ty nước ngoài và liên doanh xuất khẩu gạo, theo Thông báo 24/2019 công bố hôm 6/6.

Lyly Cao