Thị trường ví điện tử có đủ chỗ cho '16 sứ quân'?
Từ đầu năm đến nay, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) những công ty hoạt động trong lĩnh vực ví điện tử, thanh toán trực tuyến diễn ra ngày càng sôi động. Gần đây nhất là thông tin Công ty Truyền thông VMG đã bán toàn bộ 62,25% cổ phần trong ví điện tử VNPT Epay cho nhà đầu tư UTC Investment (Hàn Quốc). Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2017. Trong khi đó, hãng viễn thông Mobifone vẫn đang cố gắng phát triển ví điện tử Vimo, dù ít có tiếng tăm trên thị trường.
Hồi tháng 3, M_Service với thương hiệu ví điện tử MoMo đã nhận thêm 28 triệu USD vốn rót từ SCPE và Goldman Sachs. Ví điện tử FPT cũng đã được cấp phép chính thức hồi tháng 4. Đến tháng 6 năm nay, NTT Data Corporation, thông qua Công ty NTT Data Asia Pacific (Singapore) đã chiếm quyền kiểm soát VietUnion Online Services Corporation, sở hữu ví điện tử Payoo, sau khi mua 40% cổ phần vào năm 2011.
Kín tiếng hơn, Softpay Mobile (Singapore) mua lại phần lớn cổ phần của Vietnam MPOS Technology - sản phẩm phần cứng của Công ty Cổ phần Phần mềm Hòa Bình, cũng đồng thời sở hữu ví điện tử Ngân Lượng.
Những điều này cho thấy các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang trong giai đoạn bùng nổ, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Theo báo cáo Fintech Việt Nam Startup, có 23/39 công ty fintech ở Việt Nam hoạt động trong mảng thanh toán. Còn tính đến cuối tháng 9.2016, tổng số ví điện tử được phát hành đạt trên 3 triệu.
Thị trường thanh toán điện tử dường như hấp dẫn hơn trong mắt người chơi khi báo cáo cho thấy các hoạt động giao dịch ngân hàng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong hoạt động trực tuyến ở Việt Nam (thấp hơn 5%). Theo một khảo sát trên phạm vi toàn cầu mới đây của PwC, trong vòng 5 năm tới, 24% thị phần các ngân hàng trong mảng chuyển tiền và thanh toán sẽ rơi vào tay các fintech.
Một lý do quan trọng khác giải thích cho sự bùng nổ của các trung gian thanh toán là quy định pháp luật đang dần hoàn thiện hơn. Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cấp giấy phép hoạt động chính thức đối với các công ty phi ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán, sau một thời gian dài thí điểm với các ví điện tử từ năm 2008. Tính đến nay, đã có 16 công ty được cấp phép chính thức, phần lớn là những ví điện tử cũ được thí điểm và hàng chục công ty khác đang chờ được cấp phép. Những ví điện tử này đang nhận được dòng tiền mới để “hồi sức”, tăng năng lực cạnh tranh bằng cách đi vào những thị trường ngách.
Dù vậy, liệu thị trường Việt Nam có đủ “chỗ” cho 16 doanh nghiệp này cùng những dịch vụ tương tự mà các ngân hàng đang và dự định sẽ cung cấp?
Tính đến nay đã có 16 công ty được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán (Ảnh: enternews.vn) |
Bội thực
Trung gian tài chính là một mô hình mới, nhiều người tiêu dùng chưa thực sự hiểu và vẫn đang được điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định về loại hình này. Theo đó, dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm các dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thanh toán (gồm thu hộ, chi hộ, chuyển tiền điện tử, ví điện tử).
Trong số này, chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử có thể xem là nền tảng cho mọi giao dịch, vì nhiệm vụ chính của chúng là cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện kết nối và xử lý dữ liệu giữa các đơn vị với nhau. Ở phân khúc này trước đây có hai thương hiệu Smartlink, Banknetvn (do các ngân hàng tạo ra để xử lý giao dịch với nhau). Ngày nay, hai hệ thống này đã sáp nhập và lấy tên mới là Công ty Cổ phần Thanh toán Việt Nam (NAPAS). Hiểu đơn giản, các giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng đều phải đi qua hệ thống này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nền tảng giao dịch trung gian khác thuộc nhóm “phái sinh”, chỉ giữ vai trò “người đứng giữa” kết nối người mua và người bán.
Thực ra, khách hàng cũng không quan tâm đến tính phức tạp kỹ thuật. Người dùng chỉ nhớ đến tên ví, tên của đơn vị trung gian thanh toán. Hầu hết các công ty fintech đều cho rằng họ hoạt động theo kiểu “bổ trợ” cho ngân hàng: phục vụ đối tượng khách hàng mà ngân hàng chưa phục vụ đến như các giao dịch có giá trị nhỏ.
Mô hình trung gian thanh toán vì thế kiếm lời bằng cách hưởng chiết khấu từ các giao dịch tùy vào giá trị doanh thu (thông thường từ 1-2% trên giá trị mỗi khoản giao dịch), hoặc một khoản tiền cố định. Theo Statista, thanh toán điện tử ở Việt Nam năm 2015 ước khoảng hơn 2,9 tỉ USD (năm 2016 ước 3,6 tỉ USD).
Tiềm năng là thế, nhưng việc quá nhiều trung gian thanh toán cũng khiến thị trường bị bội thực. Hơn ai hết, những ví điện tử cũ hẳn thấm thía điều này. Ví điện tử trước đây được đầu tư nhiều vì niềm tin vào sự phát triển của thương mại điện tử, nhưng câu chuyện thương mại điện tử đến nay vẫn chưa đi tới đâu. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NextTech Group (tiền thân là PeaceSoft), chỉ một số ít doanh nghiệp trung gian thanh toán đã đăng ký hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận với một mảng thị trường riêng. “Đại đa số còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn mà theo lời một quan chức tại hội thảo gần đây là “sống bằng tiền nhà đầu tư”, ông Bình cho biết.
Mobivi trước đây định hình là ví điện tử hỗ trợ thanh toán trung gian, nay đã chuyển hướng sang cung cấp các sản phẩm tài chính cá nhân. MoMo cũng đi qua nhiều con đường phát triển khác nhau. Ngày nay MoMo là ứng dụng di động định hướng khách hàng trong việc chuyển tiền cho nhau và thanh toán các loại dịch vụ, sản phẩm trong cuộc sống (như hóa đơn điện, nước, internet, hay thanh toán phí bảo hiểm, lãi vay tiêu dùng…). Payoo cũng chuyển hướng khi cung cấp dịch vụ thu hộ hóa đơn trực tuyến lẫn “ngoại tuyến” ở các điểm bán lẻ như cửa hàng tiện lợi hay siêu thị.
Tìm thị trường ngách
Dịch vụ “ngoại tuyến” của Payoo đã nói lên một góc nhìn khác về fintech trung gian thanh toán, cho thấy rằng một bộ phận người dùng vẫn chưa thể làm quen với hình thức thanh toán trực tuyến, vẫn theo cách nộp tiền mặt nhưng mở rộng hơn về điểm giao dịch (ở bất kỳ đâu thay vì số ít điểm cung cấp dịch vụ như trước kia).
Một ví dụ khác củng cố cho niềm tin của Payoo là quy mô giao dịch ổn định của việc nộp tiền điện, nước ở các cửa hàng của Thế Giới Di Động, vốn đang mở rộng nhanh về mạng lưới. Nguồn tin của NCĐT cho biết, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang lên kế hoạch cung ứng dịch vụ này. Rõ ràng, sự phát triển của Payoo và ý định của Co.opmart cho thấy công nghệ thanh toán chưa thực sự quan trọng bằng xu hướng người dùng.
Một khó khăn khác mà các trung gian thanh toán gặp phải là việc xuất hiện những đối thủ cạnh tranh mới. Thứ nhất là chính các ngân hàng cũng đang thử nghiệm mô hình fintech (như VPBank với Timo, hoặc Maritime Bank với MEED) hoặc các ứng dụng Mobile Banking cũng thanh toán đầy đủ các loại hóa đơn và nhiều dịch vụ khác.
Ngoài ra, Banknetvn, sau khi sáp nhập vào Smartlink, nay lại nhận nhiệm vụ phát triển các dịch vụ thanh toán cá nhân bằng cách mở rộng danh mục nhà liên kết cung cấp dịch vụ với mình. Hiện nay, nhờ sự phổ biến của NAPAS, các thẻ thanh toán nội địa (hay thường gọi là thẻ ATM) mới thực sự phát huy vai trò. NAPAS thậm chí còn ra mắt thẻ thanh toán nội địa cho riêng mình.
Thật khó để các “nhà môi giới” khác tồn tại được trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như vậy. Trên thực tế, một hướng đi dễ nhận thấy là nhiều ví điện tử được xây dựng riêng, sau khi doanh nghiệp đã có một hệ sinh thái nhất định. Những fintech này được tạo ra có lẽ nhằm bổ sung đầy đủ cho hệ sinh thái hơn là đặt nặng vấn đề tạo doanh thu và chiếm thị phần. Lấy ví dụ về cổng thanh toán 123Pay của VNG, VTC365 của VTC (phục vụ nạp thẻ trò chơi và dịch vụ top-up), Yeah1TV cũng có kênh riêng.
Đi vào các thị trường ngách là cách làm của các fintech nhỏ với lợi thế năng động, sáng tạo và táo bạo. Dù vậy, tương lai của fintech cũng khó nói khi quá nhiều thương hiệu cạnh tranh, trong khi dung lượng thị trường chưa thực sự phình to và các dịch vụ không khác gì nhau ngoài cái tên của chiếc ví điện tử.