Thị trường tín dụng Trung Quốc đón bão mới với kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed
Thị trường tín dụng của Trung Quốc đang bị bủa vây bởi loạt rắc rối: Khủng hoảng nợ bất động sản. Làn sóng phong tỏa đè nặng lên nền kinh tế. Giờ đây kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang kéo giá USD đi lên và đe dọa sẽ hút thêm dòng tiền khỏi các thị trường mới nổi.
Các chỉ báo về trái phiếu đồng USD Trung Quốc cho thấy rõ thiệt hại: Loại trái phiếu này đã giảm kỷ lục 9% trong năm nay theo chỉ số của Bloomberg. Hoạt động phát hành trái phiếu USD Trung Quốc lao dốc 38% trong năm 2022, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Tỷ trọng tài sản Trung Quốc được bán ra trên thị trường trái phiếu USD châu Á thu hẹp xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013.
Ông Shuncheng Zhang, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Fitch Ratings cho biết: “Nhà đầu tư ngoại đang có ít lựa chọn trên thị trường trái phiếu USD lợi suất cao của Trung Quốc do lượng phát hành quá ít”.
Nhiều khả năng những doanh nghiệp có tính đầu cơ cao hơn sẽ chuyển sang biện pháp tăng cường tín dụng được gọi là thư tín dụng dự phòng (SBLC) – cam kết trả tiền của người cho vay nếu người phát hành không có khả năng trả nợ – khi thực sự cố phát hành nợ. Như vậy lợi suất dành cho nhà đầu tư sẽ thấp hơn do rủi ro của những cấu trúc như vậy nằm ở phía ngân hàng cung cấp SBLC, ông Zhang chỉ ra.
Trọng tâm của rắc rối là thị trường bất động sản. Trung Quốc đang điêu đứng vì chiến dịch trấn áp của chính phủ lên việc sử dụng đòn bẩy quá mức của doanh nghiệp địa ốc và làn sóng vỡ nợ của các công ty trong ngành, bao gồm China Evergrande.
Những rắc rối này càng thêm trầm trọng bởi tình hình lạm phát toàn cầu, gần đây đã lên cao đến mức buộc nhiều ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất và giảm kích thích thời đại dịch.
Nỗi lo tỷ giá
Các diễn biến kế tiếp trên thị trường ngoại tệ và lãi suất đang làm gia tăng mối nguy đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong bối cảnh đồng USD tăng vọt, gần đây giá đồng nhân dân tệ so với USD đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, gây rủi ro với những doanh nghiệp phải trả nợ bằng USD nếu chưa phòng vệ tỷ giá. Đồng nội tệ suy yếu còn làm tăng thêm chi phí của người đi vay khi thanh toán nợ USD và nâng cao rủi ro tái cấp vốn.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ yếu đi không phải yếu tố tiêu cực với mọi công ty. Các nhà xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ giá hàng hóa Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn.
Bà Wu Qiong, Giám đốc công ty logistics BOC International chia sẻ với Bloomberg: “Nhìn lại giai đoạn vài năm qua, sự giảm giá của đồng nhân dân tệ cho tới nay vẫn khá hạn chế và chưa phải nỗi lo lớn của các nhà phát hành trái phiếu”. Nếu đà giảm giá trở nên đáng kể hơn thì tình hình tài chính của doanh nghiệp khác có thể bị ảnh hưởng, “nhưng chúng tôi vẫn chưa rơi vào tình cảnh đó”, bà cho biết.
Nhưng những rủi ro khác đang gia tăng. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã thu hẹp, làm giảm sức hấp dẫn của việc mua tài sản rủi ro Trung Quốc vì phần bù rủi ro thấp hơn trước.
Tất cả những yếu tố trên làm phức tạp thêm kế hoạch của những công ty Trung Quốc dự tính huy động tiền trên thị trường trái phiếu USD nước ngoài. Ông Ben Wang, Giám đốc cấp cao tại Deutsche Bank cho biết gần đây một số nhà phát hành đã từ bỏ kế hoạch do sự biến động của tỷ giá hối đoái. Phần đông trong số đó là những công ty không có tài sản nước ngoài làm công cụ phòng vệ tự nhiên.
Ông Ivan Chung, nhà phân tích thuộc Moody’s Investors Service cho biết: “Một số công ty Trung Quốc đã phát hành nhiều trái phiếu USD khi thanh khoản ít căng thẳng hơn so với bây giờ. Nhưng họ sẽ ngày càng gặp thách thức với việc thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thanh khoản trở nên eo hẹp hơn và lợi suất tăng kéo một số nhà đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ”.