|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường thực phẩm ngày rằm tháng Giêng dồi dào, giá cả ổn định

21:27 | 14/02/2022
Chia sẻ
Rằm tháng Giêng (còn là Tết Thượng Nguyên) của người Việt, rất được coi trọng khi ông bà ta có câu: "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng".

Ngày rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên của người Việt, rất được coi trọng khi ông bà ta có câu: "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng". 

Với ý nghĩa đó nên ngày này nhiều gia đình thường lo sắm sửa lễ vật, hoa quả, vàng mã, mâm cơm cúng (chay hoặc mặn). Năm nay, ngày Rằm tháng Giêng rơi vào thứ ba tức ngày 15/2/2022 dương lịch.

Khảo sát tại các chợ truyền thống như Chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Mùng 8/3, Hoàng Mai, Kim Liên, Dốc Đề, Thành Công, Cống Vị…. cho thấy nguồn cung các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt bò, thịt lợn, gà, hoa tươi… rất dồi dào và giá cả ổn định. 

Cụ thể giá rau xanh như: su hào từ 4.000-5.000 đồng/củ, súp lơ từ 10.000-12.000 đồng/cây, cà rốt từ 2.000-3.000 đồng/củ, rau muống từ 10.000-12.000 đồng/mớ, dưa chuột từ 13.000-15.000 đồng/kg, rau cải cúc từ 4.000-5.000 đồng/mớ, cà chua, bí xanh có giá từ 12.000-15.000 đồng/kg.

Còn mặt hàng cá chép giòn 200.000 đồng/kg, cá lăng 130.000 đồng/kg, cá song 280.000 đồng/kg, thịt lợn từ 110.000- 150.000 đồng/kg, thịt bò từ 220.000-320.000 đồng/kg, thịt gà từ 130.000-150.000 đồng/kg…

Thị trường thực phẩm ngày rằm tháng Giêng dồi dào, giá cả ổn định - Ảnh 1.

Giá các mặt hàng thực phẩm vào dịp Rằm tháng Giêng giảm so với trước Tết. (Ảnh: TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng rau ở chợ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho biết, nhìn chung hoa quả phục vụ nhu cầu thờ cúng dịp rằm tháng Giêng năm nay đa dạng, giá giảm nhiều so với thời điểm trước Tết, sức mua của người dân cũng không có gì đột biến so với năm trước.

Chị Vũ Thị Hằng, ở phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) cho biết, Các loại hải sản giá đã hạ nhiệt so với thời điểm trước và ngay sau Tết. 

Cụ thể với mặt hàng tôm tươi, trước Tết có thời điểm lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg, thậm chí ngay sau Tết còn “cháy hàng” mà giá cao, khoảng 450.000 đồng/kg loại vừa thì nay giá dao động từ 180.000 đồng – 350.000 đồng/kg tùy loại. 

Các loại cá như cá trắm, cá chép… giá ổn định, không có gì đột biến, từ 50.000 đồng – 80.000 đồng/kg tùy loại to nhỏ. 

Theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây do xu hướng người dân chuyển sang thích ăn chay nhiều hơn, ưa chuộng các sản phẩm chay có nguồn gốc từ nông sản hữu cơ. Với tâm niệm ăn chay để thanh tịnh cơ thể, cầu phúc lộc trong năm mới, đồng thời ăn chay đúng cách cũng giúp con người mạnh khỏe hơn.

Vì vậy, những ngày này mặt hàng thực phẩm chay phục vụ nhu cầu cúng lễ ngày rằm tháng Giêng bắt đầu sôi động, sản phẩm đồ ăn chay cũng rất đa dạng, phong phú, hấp dẫn, dễ ăn không khác gì các sản phẩm mặn nên sức tiêu thụ tăng mạnh, nhất là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng chuyên bán đồ ăn chay ở phố 8/3, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng cửa hàng chị vẫn nhận được nhiều đơn hàng đặt các sản phẩm chay để phục vụ người tiêu dùng cúng rằm tháng Giêng.

Thị trường thực phẩm ngày rằm tháng Giêng dồi dào, giá cả ổn định - Ảnh 2.

Những mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng có giá 750.000 - 1.100.000 đồng/mâm. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Đồ chay nhưng cũng rất đa dạng, phong phú để cho các gia đình lựa chọn khi làm mâm cơm chay cúng vào ngày rằm tháng Giêng này. 

Chị Lê Thu Thảo, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng Hà Nội cho biết, từ lâu nay, gia đình chị đã chọn làm cơm chay để cúng lễ ông bà tổ tiên vào những ngày lễ trọng trong năm.

Các sản phẩm để làm mâm cơm chay cũng rất đa dạng phong phú và nhiều cửa hàng mở bán nữa nên rất dễ dàng cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn mua thực phẩm về làm hoặc có thể đặt sẵn mâm cơm chay. 

Tuy nhiên, tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi gia đình mà chọn cửa hàng để mua, giá cả một mâm cỗ chay thường dao động từ 750.000 - 1.100.000 đồng/mâm.

Theo bác Nguyễn Thị Nghĩa, người hay lên chùa Vạn Hạnh ở phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để giúp nấu cỗ chay cho biết, để nấu một mâm cỗ chay cũng không quá khó, người tiêu dùng mua giò chả, bánh chưng chay, gà chay thì chỉ cần xào thêm rau, nấu thêm canh nữa là có thể dễ dàng hoàn thành mâm cỗ chay. 

Điều quan trọng là người tiêu dùng nên chọn các cửa hàng có uy tín để mua sản phẩm, bởi vì nguyên liệu ngon quyết định thành công của mâm cỗ chay. 

Qua khảo sát một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Hapro, Fuji Mart, Co.op Mart, Vinmart, Big C... cho thấy những siêu này đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan với giá khá rẻ.

Cụ thể nem chay dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg, gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; cá, tôm chay dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/kg, bánh chưng giá từ 30.000- 40.000 đồng/chiếc.

Ngoài ra, chả cốm 30.000 đồng/cái, giò lụa, giò nấm, giò thủ, chả quế có giá từ 75.000 - 150.000 đồng/kg, chả tôm chay 55.000 đồng/hộp, chả gà 450 gram giá 80.000 đồng/con, khoai lang kén, khoai lệ phố 40.000 - 45.000 đồng/hộp.

Các món ăn chế biến như canh ốc chuối đậu có giá 45.000 đồng/hộp, canh măng mọc 50.000 đồng/hộp, nộm rong sụn 40.000 đồng/gói, mọc nấm, bò xào xả ớt 40.000 đồng/hộp, chả mực, cá kho riềng, cá điêu hồng, cá thu cắt lát,....

Nam Giang