[Thị trường thế giới ngày 22/8] Giá vàng tăng, USD giảm vì căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố. |
Trên thị trường vàng, giá tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/8) vì căng thẳng địa chính trị liên quan đến vấn đề Triều Tiên thúc đẩy nhu cầu về tài sản an toàn như vàng. Trong khi đó, lo ngại về khả năng ban hành các chính sách kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến đồng USD giảm trên thị trường tiền tệ.
Các cuộc tập trận quân sự được mô phỏng bằng máy vi tính giữa Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu từ thứ Hai đã khiến Triều Tiên nổi giận. Bình Nhưỡng lên án các vụ tập trận, và cho rằng hành động này là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân. Cuộc tập trập sẽ kết thúc vào ngày 31/8.
USD đã giảm 4 phiên liên tiếp so với yen Nhật, đồng tiền được đánh giá cao về tính thanh khoản trong thời điểm thị trường căng thẳng. Đồng bạc xanh đã thể hiện không tốt trong năm nay khi số liệu về nền kinh tế Mỹ không cho kết quả tích cực và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang mắc kẹt với tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ từ từ.
Trong phiên giao dịch chiều, USD giảm 0,4% so với yen xuống 108,81 yen. Euro phục hồi từ mức thấp nhất trong ngày lên 1.1810 USD, tăng 0,4%.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng hướng về cuộc gặp mặt thường niên của quan chức ngân hàng trung ương các nước trong tuần này tại Jackson Hole, Wyoming. Theo đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ có bài phát biểu vào thứ Sáu (25/8).
Các quan chức của Fed đã đưa ra các gợi ý rằng sẽ nâng lãi suất một lần nữa trong năm nay, trong khi một số nguồn đáng tin cho Reuters biết ông Draghi sẽ không truyền tải thông điệp nào mới trong bài phát biểu của mình.
Trên thị trường dầu, giá dầu thô giao tương lai giảm, vì thị trường tiếp tục mất niềm tin vào khả năng ngăn chặn nguồn cung dư thừa của OPEC, khi các thành viên của tổ chức gặp mặt để thảo luận về vấn đề tuân thủ trong cam kết giảm sản lượng.
Dầu thô khởi đầu tuần mới với việc giảm giá, bất chấp buổi họp hôm thứ Hai của OPEC nhằm thảo luận về các biện pháp giúp giải quyết tình trạng thụt lùi về sự tuân thủ thỏa thuận giảm sản xuất. Số liệu trong tháng 7 cho thấy tỷ lệ tuân thủ cam kết của OPEC giảm xuống mức thấp nhất trong năm.
Hồi tháng 5, OPEC và các thành viên ngoài OPEC thống nhất kéo dài cam kết giảm sản lượng thêm 9 tháng, sang tháng 3/2018, nhưng vẫn giữ mức giảm sản lượng là 1,8 triệu thùng/ngày như thỏa thuận đạt được vào tháng 11 năm ngoái.
Ngoài ra, lo ngại nhu cầu về dầu thô suy yếu khi mùa lái xe ở Mỹ đã gần kết thúc cũng gây áp lực lên giá dầu. Trong khi đó, số lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ tiếp tục giảm gợi ý rằng các công ty sản xuất dầu của quốc gia này đang thu hẹp hoạt động vì giá dầu bắt đầu xu hướng lao dốc.
Hôm thứ Sáu (18/8), công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ giảm 5 giàn xuống 763 trong tuần trước.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ số biến động trái chiều, vì cổ phiếu ngành viễn thông, nguyên liệu cơ bản và chăm sóc sức khỏe tăng, trong khi cổ phiếu ngành dầu khí, công nghệ và công nghiệp giảm.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch chỉ số S&P 500 tăng 0,12% lên 2.428,37 điểm. Dow Jones tăng 0,13% lên 21.703,75 điểm; và chỉ số Nasdaq giảm 0,05% xuống 6.213,13 điểm.