[Thị trường thế giới ngày 1/7] USD ghi nhận quý giảm nhiều nhất trong gần 7 năm
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố. |
Trên thị trường vàng, giá giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30/6), vì nhu cầu của các nhà đầu tư với vàng giảm sau khi báo cáo mới nhất gợi ý rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Giá vàng ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong năm nay, do số liệu sản xuất và cảm nhận về tiêu dùng cho kết quả tốt hơn kỳ vọng giúp đồng bạc xanh tăng, khiến nhu cầu về vàng mua bằng đồng USD giảm. Dù USD tăng nhẹ trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh vẫn ghi nhận quý giảm lớn nhất trong gần 7 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Theo Investing, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ở Chicago tăng từ 59,4 điểm trong tháng 5 lên 65,7 điểm tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 5/2014. Trước đó, các chuyên gia phân tích chỉ số này là 58 điểm trong tháng 6.
Số liệu sản xuất Mỹ được công bố trước khi một báo cáo khác cho thấy chỉ số cảm nhận tiêu dùng của Mỹ giảm thấp hơn kỳ vọng từ 97,1 điểm tháng 5 xuống 95,1 điểm trong tháng 6.
Trong khi đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, nhân tố chính của lạm phát để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định tăng lãi suất, giảm còn 1,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này trong tháng 5 đạt 1,5%.
Bên cạnh đó, giá vàng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn đà giảm vì hàng loạt phát biểu đến từ các ngân hàng trung ương gợi ý rằng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng có thể sẽ sắp kết thúc. Kết quả là đẩy lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng cao, khiến nhu cầu về các tài sản không lãi suất như vàng giảm.
Trên thị trường dầu, giá dầu tăng ngày thứ 7 liên tiếp nhờ báo cáo chỉ ra số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 1, gợi ý sản lượng Mỹ có thể bị thắt chặt. Nhờ đó, làm giảm lượng cung dư thừa.
Công ty dịch vụ dầu khí Barker Hughes cho biết số lượng giàn khoan trong tuần của Mỹ giảm 2 giàn xuống còn 756 giàn, kết thúc đà tăng của số lượng giàn khoan ở Mỹ.
Tuy nhiên, một nhà bình luận cho rằng sự phục hồi của giá dầu trong thời gian gần đây chỉ là tạm thời, vì OPEC và các nước đồng minh vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề dư thừa nguồn cung, nguyên nhân gây áp lực cho giá dầu trong gần 3 năm.
Tháng 5, OPEC và các nước đồng minh đã thống nhất kéo dài việc giảm nguồn cung sang tới tháng 3/2018, nhưng giữ nguyên mức giảm sản lượng là 1,8 triệu thùng/ngày như thỏa thuận đạt được hồi tháng 11/2016.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch với các chỉ số tăng điểm, trong đó chỉ số Nasdaq ghi nhận nửa đầu năm hoạt động tốt nhất kể từ 2009. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành công nghệ và chăm sóc sức khỏe giảm vào đầu tuần đánh dấu một tuần hoạt động không tốt của các chỉ số cơ bản.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 2.423,41, Dow Jones tăng 0,3% lên 21.349,63 điểm, trong khi Nasdaq tăng 0,06% lên 5.656,25.