|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường thế giới: Hàng hóa mất đà tăng, chứng khoán và USD biến động nhẹ

06:34 | 23/08/2016
Chia sẻ
Chốt phiên 22/8, giá vàng và dầu thô thế giới đồng loạt giảm; trong khi thị trường chứng khoán Mỹ và USD gần như không đổi so với phiên trước; cổ phiếu tại châu Âu và Nhật Bản cũng chỉ nhích nhẹ lên.
thi truong the gioi hang hoa mat da tang chung khoan va usd bien dong nhe

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.338,01 USD/ounce vào lúc 18h38 tại New York. Trong phiên giao dịch, có lúc giá vàng xuống thấp nhất 2 tuần.

Giá vàng giao tháng 12/2016 của Mỹ cũng giảm 0,21% xuống 1.343,4 USD/ounce.

Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR ghi nhận phiên mua vào đầu tiên với 2,38 tấn sau khi bán tháo hơn 24 tấn vàng trong 2 tuần trước đó.

Yếu tố chặn đứng đà tăng của giá vàng trong hai phiên gần đây là, đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay.

Trong bài phát biểu ngày 21/8, Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer khẳng định rằng, ngân hàng trung ương Mỹ đang gần tiến sát tới mục tiêu về việc làm và lạm phát. Trước đó, các chuyên gia hoạch định chính sách khác của Fed cũng cho rằng, thị trường lao động của Mỹ đang cải thiện và kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại lớn nếu không sớm tăng lãi suất.

Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng giảm mạnh. Giá bạc chạm đáy 7 tuần trước khi chốt phiên ở 18,84, giảm 2,31%. Giá bạch kim giảm 1,19% sau khi xuống thấp nhất gần 1 tháng và giá palladium giảm 2,82%.

Tương tự như kim loại quý, giá dầu mất hơn 3% khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô của một số nước lớn tăng đột biến.

Cụ thể, giá dầu WTI giao tháng 9/2016 của Mỹ giảm 3% xuống 47,05 USD/thùng; và giá dầu Brent giảm 3,4% xuống 49,16 USD/thùng.

Có 3 yếu tố chính tác động đến giá dầu thô phiên 22/8, gồm, xuất khẩu dầu dieseil và xăng của Trung Quốc tăng mạnh, Iraq và Nigeria đẩy mạnh xuất khẩu dầu và số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tăng.

Trong đó, xuất khẩu dầu diesel và xăng trong tháng 7/2016 của Trung Quốc lần lượt tăng 181,8% và 145,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi Iraq lên kế hoạch tăng xuất khẩu dầu thô của vùng Kirkuk thêm 150 nghìn thùng/ngày thì diễn biến hòa bình tại Nigeria cho phép nước này có thể nhanh chóng tái xuất khẩu dầu trong năm nay.

Tại Mỹ, các công ty sản xuất dầu đã tăng số lượng dàn khoan thêm 10 dàn trong tuần kết thúc vào ngày 19/8 và đây là tuần thứ 8 liên tiếp, số lượng dàn khoan tại Mỹ tăng.

Trên thị trường tài chính, chứng khoán và USD cũng chỉ biến động nhẹ bởi giới đầu tư đang chờ đợi hội thảo thường niên của các ngân hàng thế giới tại Jackson Hole, Wyoming vào ngày 26/8.

Cụ thể trên thị trường tiền tệ, chỉ số đôla, cho biết tỷ giá giữa USD và rổ 6 đồng tiền mạnh khác, chỉ tăng 0,03% trong phiên 22/8 lên 94,539 điểm. Trong đó, một số tỷ giá chính như, USD/JPY, USD/FRC lần lượt tăng 0,06% và 0,04% và EUR/USD giảm 0,04%.

Thị trường chứng khoán cũng rơi vào tình trạng tương tự khi cổ phiếu tại các thị trường lớn trên thế giới hoặc tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ.

Tại Mỹ, 3 chỉ số chứng khoán chính, gồm Dow Jone, S&P 500 và Nasdaq, lần lượt giảm 0,12%, 0,06% và 0,12% trong phiên 22/8, với tổng số cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn vào khoảng 5,3 tỷ - thấp hơn mức trung bình của 20 phiên gần nhất là 6,38 tỷ. Trong đó, cổ phiếu của Apple giảm 0,8% và là cổ phiếu mất giá mạnh nhất trong cả 3 chỉ số trên.

Ngược lại, chỉ số STOXX 600 của châu Âu lại tăng 0,1% và có xu hướng ổn định sau khi giảm mạnh trong tuần trước.

Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán lớn tăng mạnh hơn so với Mỹ và châu Âu, với chỉ số Topix của Nhật Bản và chỉ số Hang Seng của Hong Kong, lần lượt tăng 0,6% và 0,3%.

Kim Dung