Thị trường phân bón hạ nhiệt: Xu hướng có kéo dài?
Giá phân bón thế giới hạ nhiệt
Theo bà Nguyễn Thi Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), giá chào thầu phân ure hạt đục trên thế giới (giá FOB- giá đã bao gồm chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) vào ngày 16/6 vừa qua (lấy theo bình quân 4 thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á và Trung Quốc) là 547 USD/tấn.
Đặc biệt, giá phân ure hạt đục của Sơn Đông, Trung Quốc chào thầu ngày 16/6 chỉ còn 448 USD/tấn. Nếu so với mức 1.060 USD/tấn thời điểm tháng tháng 1/2022 thì giá phân bón đã giảm mạnh.
Bà Hiền cho biết, giá phân ure thế giới giảm mạnh là do Trung Quốc thay đổi chính sách cho phép xuất khẩu phân bón trở lại khi cao điểm mùa vụ tại Trung Quốc đã qua.
Với nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước thấp điểm trong khi công suất sản xuất phân bón của nước này lên tới 200 triệu tấn/năm nên doanh nghiệp sản xuất phân bón đẩy mạnh xuất khẩu, khiến giá phân bón giảm nhanh.
Bên cạnh đó, Nga đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang thị trường Ấn Độ, thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất nhì thế giới và sang thị trường Nam Mỹ với giá bán thấp hơn 30% mặt bằng giá thế giới.
Tại thị trường trong nước, giá phân ure trong nước tại thị trường Tân Quy, TP Hồ Chí Minh hiện dao động trong khoảng 16 triệu đồng/tấn tùy loại, giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm.
Theo PVCFC, đến hết ngày 15/5, công ty mới bán được khoảng 50% sản lượng phân bón theo kế hoạch. Ba đơn vị khác sản xuất phân đạm ure là đạm Phú Mỹ, đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc cũng chung tình trạng này, bà Hiền cho biết.
Khảo sát của PVCFC cho thấy, nông dân tại khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên bỏ ruộng nhiều; nông dân miền Tây Nam Bộ bỏ vụ ba do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào cao trong khi giá nông sản lại thấp.
Với nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp như vậy, cộng với áp lực giá thế giới giảm, giá phân bón trong nước cũng có xu hướng giảm giá, bà Hiền cho biết.
Giá phân bón trong nước phải điều chỉnh
Theo thông lệ trên thị trường thế giới, giá phân ure thế giới phụ thuộc chủ yếu vào giá dầu thế giới. Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn được nhiều tổ chức phân tích thị trường dự báo vẫn khó giảm do nguồn cung thắt chặt.
Trong phiên giao dịch ngày 17/6, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2022 đã tăng 2,27 USD (2%) lên 117,58 USD/thùng tại thị trường New York. Giá dầu Brent giao tháng 8/2022 tăng 1,3 USD (1,1%) lên 119,81 USD/thùng tại London.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu khó có thể đáp ứng được nhu cầu trong năm tới khi các biện pháp trừng phạt siết chặt hơn buộc Nga phải đóng cửa nhiều giếng dầu và số lượng các nhà sản xuất hạn chế sản lượng ngày càng tăng.
Trong bản báo cáo hàng tháng được công bố hôm 14/6, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết thị trường dầu mỏ sẽ được cung cấp thấp hơn đáng kể trong nửa cuối năm nay.
Với giá dầu thế giới vẫn ở mức cao và dự báo khó giảm trong những tháng cuối năm, giá phân bón hạ nhiệt hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam dự báo.
Thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho thấy, từ đầu năm 2022, giá ure trên toàn thế giới có dấu hiệu giảm dần trong tháng 3, tăng nhẹ trở lại vào tháng 4 và tháng 5. Cụ thể giá ure bình quân tháng 1/2022 là 18,7 triệu đồng/tấn, tháng 2 là 16,25 triệu đồng/tấn, tháng 3 là 14,16 triệu đồng/tấn, tháng 4 là 16,7 triệu đồng/tấn, tháng 5 là 16,45 triệu đồng/tấn.
Bà Nguyễn Thị Tiêu, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hà Anh, đơn vị nhập khẩu và phân phối phân bón lớn ở miền Bắc cho biết, hiện giá phân ure Indonesia công ty nhập về đến Việt Nam là 14,2 triệu đồng/tấn, giảm nhiều so với hồi đầu năm.
Với việc giá ure nhập khẩu chỉ ở mức như vậy, các nhà sản xuất trong nước đã buộc phải điều chỉnh giá bán giảm 2 triệu đồng tấn. Theo đó, giá ure Phú Mỹ và ure Cà Mau bán cho Hà Anh đã giảm từ mức 17 triệu đồng/tấn xuống còn 15 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đạm ure Hà Bắc và ure Ninh Bình vãn chưa giảm giá.
Nhìn nhận về thị trường phân bón trong nước, bà Tiêu cho rằng, chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ phải sớm hạ giá bán nếu không muốn tồn kho cao.
Bình ổn giá phân bón cần giải pháp đồng bộ
Theo ông Phùng Hà, Tổng thư ký hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), các doanh nghiệp cần phát huy tối đa công suất và tìm mọi cách giảm chi phí, hạ giá thành. Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng khác là tìm cách giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón, nhanh chóng đưa phân bón đến nông dân.
Vào các cao điểm mùa vụ ở trong nước, doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy trách nhiệm xã hội, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp trong nước trước khi nghĩ tới xuất khẩu cho dù phân bón không thuộc mặt hàng cấm xuất khẩu.
FAV cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân áp dụng năm đúng (số lượng, chủng loại, thời tiết, mùa vụ, phương pháp) và tăng cường sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân vô cơ.
Đặc biệt, khi giá phân bón tăng cao thì hiện tượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ xuất hiện càng ngày càng nhiều. Vì vậy, FAV đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường các chế tài xử phạt để lành mạnh thị trường và bảo vệ lợi ích của người nông dân.
Về phía doanh nghiệp, PVCFC tiếp tục tối đa hóa công suất để giảm chi phí định biên trên 1 tấn sản phẩm; giảm chi phí quản lý và quảng cáo sản phẩm. Hiện chi phí quản lý sau bán hàng của PVCFC chỉ là 150 đồng/1 đơn vị sản phẩm, bằng 1/3 so với mức chung 450 đồng/1 đơn vị sản phẩm của nhiều doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, PVCFC cũng áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ trong rút ngắn khoảng cách kênh bán hàng; trong tạo ra các sản phẩm phân bón chất lượng cao, phân bón chứa vi sinh vật có ích… giúp tiết kiệm lên đến 30% lượng phân bón cho nông dân.
Tuy nhiên, việc bình ổn giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành của nhà nước.
Thực tế là các doanh nghiệp sản xuất ure đi từ khí như PVCFC đang phải mua khí Nam Côn Sơn theo giá thị trường điều chỉnh theo tháng và chốt theo giá dầu FO (giá miệng giếng, cộng các thuế khác, chi phí phí vận chuyển các kiểu để về bờ) nên lên tới 12 USD/1 triệu BTU. Với giá khí theo thị trường như vậy, bình quân giá thành sản xuất phân đạm của Việt nam hiện nay cao nhất thế giới
Trong khi đó, giá khí ở các nước trên thế giới bán tại thị trường trong nước là giá khi nội địa, thấp hơn giá xuất khẩu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí nguyên liệu đầu vào nên giá thành sản xuất cạnh tranh, bà Hiền, Phó Tổng giám đốc PVCFC cho biết.
Thêm vào đó, nhiều chính sách thuế như thuế xuất khẩu phân bón (dự kiến áp mức 5%) hay thuế VAT với phân bón đang khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị giảm sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế là phân bón ure nhập khẩu về Việt Nam không bị đánh thuế nhập khẩu nhưng phân bón ure xuất khẩu đi Indonesia sẽ bị áp 5%, đây là sự bất hợp lý làm “khó” doanh nghiệp, bà Hiền chỉ rõ.
Trong điều kiện bình thường, nhu cầu phân bón ure của cả nước dự kiến khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Năng lực sản xuất của 4 doanh nghiệp đạm ure lớn nhất là đạm Cà mau, đạm Phú Mỹ, đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc lên tới 2,6 triệu tấn nên dư cung khoảng 800 nghìn tấn/năm.
Đấy là chưa kể năm nay giá phân bón phân bón tăng cao, nông dân bỏ ruộng hoặc giảm bón phân nên nhu cầu giảm 30-40% so với bình thường. Để giảm giá thành sản xuất, thông thường các doanh nghiệp phải tối đa hóa công suất.
Vì vậy, việc áp thuế xuất khẩu để giữ lại lượng phân bón ure trong bối cảnh thị trường trong nước dư cung thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm cho giá thành sản xuất hàng hóa không thể tốt được, bà Hiền khẳng định.
Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, việc áp 5% thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón cần phải được tính toán cẩn trọng hơn nữa. Đối với ngành sản xuất phân bón trong nước hiện không có một ưu đãi gì từ giá than, giá điện, các chính sách về thuế phí.
Nếu lập luận việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón thì sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước thì không hợp lý. Yếu tố hạ giá hay không là do giá đầu vào của nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất chứ không nằm ở chỗ hạn chế xuất khẩu, ông Cường nhấn mạnh.