|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường nhà ở toàn cầu đứng trước lo ngại bong bóng BĐS

06:53 | 04/06/2021
Chia sẻ
Giá nhà trung bình trên thế giới đã tăng 7,3% trong 12 tháng, tính đến thời điểm hết tháng 3/2021. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý IV/2006.
Thị trường nhà ở toàn cầu đứng trước lo ngại bong bóng BĐS - Ảnh 1.

TP Melbourne, Úc. (Ảnh: Hoàng Huy).

Giá nhà ở trên toàn thế giới đang tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2006. New Zealand, Canada hay Singapore là những quốc gia có giá nhà ở tăng trưởng chóng mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bloomberg đưa tin.

Theo báo cáo chỉ số giá nhà toàn cầu của Knight Frank (đơn vị tư vấn BĐS lớn có trụ sở tại New York), giá nhà trung bình trên thế giới đã tăng 7,3% trong 12 tháng, tính đến thời điểm hết tháng 3/2021. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý IV/2006.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có tốc độ tăng giá cao nhất với mức tăng ghi nhận 32%, tiếp đến là New Zealand với mức tăng 22,1%. 

Tại châu Á, Singapore có mức tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ 6,1%. Tiếp đến là Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt ở mức 5,8% và 5,7% Hong Kong, nơi mà giá BĐS vốn đắt đỏ nhất thế giới có mức tăng 2,1%.

Mỹ cũng có mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2005, quốc gia này đứng ở vị trí thứ 5 thế giới với mức tăng 13,2%. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Môi giới California, giá nhà tại tiểu bang ven biển phía Tây nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt ngưỡng 800.000 USD/căn.

Trước đó, báo cáo của Hiệp hội Môi giới Hoa Kỳ cho thấy, giá nhà trung bình tại nước này đã tăng lên mức kỷ lục 319.200 USD/căn.

Trong tháng 4, giá nhà trung bình tại California được ghi nhận 813.980 USD, tăng 7,2% so với hồi tháng 3 và tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, thời điểm thị trường nhà ở bị đóng băng do đại dịch COVID-19.

Bloomberg cho biết, những biện pháp kích thích tài chính tiền tệ nhằm thúc đẩy các nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 đã gây ra cơn sốt giá nhà.

Trước lo ngại về tình trạng bong bóng BĐS toàn cầu, nhiều quốc gia đã tiến hành các biện pháp để hạ nhiệt thị trường BĐS.

New Zealand đã loại bỏ các ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư BĐS. Chính phủ nước này dự kiến lạm phát giá nhà sẽ chậm lại, chỉ còn 0,9% vào tháng 6/2022. Trung Quốc cũng đã ban hành một loạt quy định để hạn chế việc vay ngân hàng của các nhà phát triển BĐS.

Knight Frank nhận định, với việc các chính phủ kết thúc các biện pháp kích thích tài khóa vào cuối năm nay, nhiều khả năng nhu cầu của người mua nhà sẽ hạ nhiệt. Thêm vào đó, mối đe dọa từ các biến thể mới của COVID-19 và việc ngừng triển khai vắc xin cũng có thể gây áp lực để kìm hãm đà tăng giá nhà.

Hoàng Huy (Theo Bloomberg)