Thị trường ngoại hối hôm nay 9/3: Giá dầu thô lao dốc 30%, đồng USD giảm gần 3% so với yen Nhật
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (9/3), vào lúc 19h05 giờ Việt Nam có 6/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 4 cặp còn lại tăng điểm.
Trong đó, cặp USD/CAD tăng cao nhất với mức tăng 1,74% và cặp USD/JPY giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 2,86%.
Cơn lốc mang tên "giá dầu thô lao dốc 30%" quá mạnh
Hôm nay, đồng USD đã lao dốc gần 3% so với đồng yen Nhật (JPY) và tăng mạnh so với các đồng tiền tệ hàng hóa như đô la Úc (AUD) và đô la New Zealand (NZD) sau khi giá dầu thô giảm ngay 30% ngay đầu phiên, khiến thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ xáo trộn mạnh.
Theo Reuters, một thước đo độ biến động trên thị trường đồng EUR/USD - cặp tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2017 nhờ đồng EUR tăng hơn 1% so với đồng USD lên mức đỉnh kể từ tháng 1/2019.
Nhà đầu tư đang bán tháo đồng USD vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm thê thảm. Sau khi tăng hơn 1% vài ngày trước, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã lao đầu giảm xuống còn 0,47%.
Không chỉ bán tháo đồng bạc xanh, nhà đầu tư còn trút bỏ các tài sản rủi ro và tìm đến thị trường trái phiếu chính phủ - vịnh tránh bão an toàn hơn.
Đầu phiên giao dịch hôm nay, giá dầu thô đã lao dốc hơn 30% sau khi Arab Saudi cam kết sẽ giảm giá và đẩy mạnh sản lượng vì Nga từ chối đề xuất của OPEC.
Hôm 6/3, cuộc đàm phán giữa OPEC và Nga đã đổ vỡ sau khi OPEC đề nghị giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu do dịch COVID-19, Nga lại không đồng ý.
Giá dầu thô tụt sâu khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên trong khi họ cũng đã chịu không ít cú sốc thời gian gần đây vì thị trường biến động dữ dội trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19.
"Tình hình hiện tại sẽ thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn như đồng JPY và đồng franc Thụy Sĩ (CHF)", nhóm nhà phân tích tại ING cho hay.
Tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời giới chuyên gia nhận định việc Arab Saudi hạ giá dầu thô đồng thời đánh trúng khách hàng mục tiêu của Nga có thể chỉ là bước đi đầu tiên trong cuộc chiến thị phần.
Trong phiên giao dịch sóng gió hôm nay, đồng USD đã giảm gần 3% so với đồng JPY xuống còn 102,28 JPY đổi một USD, mức thấp nhất trong hơn ba năm qua. Đồng EUR cũng gặp thời mà tăng 1% so với đồng USD, ghi nhận ở mức 1,1428 USD đổi một EUR.
Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018 trước khi phục hồi phần nào về mức 95,181 điểm, giảm khoảng 0,3%.
Đồng CHF cũng tăng gần 1% so với đồng USD nhưng lại ít biến động so với đồng EUR.
Trong khi đó, các đồng tiền hàng hóa như AUD và NZD có lúc giảm gần 2% so với đồng bạc xanh.
Ở diễn biến khác, dù thị trường còn đang đắm chìm trong ảnh hưởng từ phiên lao dốc của giá dầu thô thì dịch COVID-19 mới chính là yếu tố đáng lo ngại hơn. Hiện tại, số ca dương tính và tử vong do nhiễm COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, lần lượt ghi nhận ở con số 110.257 và 3.828.
Trong khi dịch ở Trung Quốc đại lục đã tạm lắng và đất nước tỉ dân đang hối hả trở lại làm việc, tình hình ở các điểm nóng mới như Hàn Quốc, Iran, Italy, Pháp,...lại đang hết sức đáng lo ngại. Điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến tâm lí nhà đầu tư thời gian tới đây.