Thị trường ngoại hối hôm nay (26/7): Đồng EUR ngày càng bị 'vạ lây' vì Brexit
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (26/7), vào lúc 17h50 giờ Việt Nam có 6/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 4 cặp còn lại tăng điểm.
Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)
Trong khi đó, cặp USD/CAD tăng cao nhất với mức tăng 0,19% và cặp AUD/USD giảm nhiều nhất với mức giảm 0,31%.
Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)
Đồng USD tăng nhưng nhà đầu tư tỏ ra ái ngại vì dự báo GDP không khả quan
Theo Reuters, đồng USD đã đạt mức cao nhất trong hai tháng vào đầu ngày hôm nay ở châu Âu, khôi phục lại đà tăng của đồng bạc xanh so với cả đồng EUR và đồng GBP sau "màn trình diễn" không thuyết phục vào ngày 25/7 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và tân Thủ tướng Anh.
Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ chính đã tăng lên mức 97,627 trong phiên giao dịch ở thị trường châu Á và đang lơ lửng ngay dưới mức này vào lúc 4h sáng (8h GMT).
Số liệu này được ghi nhận là cao nhất kể từ cuối tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, sự gia tăng của đồng USD có phần phản trực giác, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quí II được dự báo sẽ chững lại đáng kể, với tốc độ tăng trưởng hàng năm tụt xuống dưới 2%.
Dữ liệu GDP chính thức sẽ được công bố vào lúc 8h30 sáng (12h30 GM).
"GDP dưới 2% sẽ đánh dấu lần đầu tiên chỉ số kinh tế này rơi xuống mức thấp, kể từ quí I/2017. Đồng thời, nó cho thấy nền kinh tế Mỹ đã giảm tốc đáng kể", ông John Velis, chiến lược gia tiền tệ tại BNY Mellon, nhận định.
Brexit không chỉ 'phủ mây đen' lên đồng GBP mà còn lan sang đồng EUR
Đồng USD là phía hưởng lợi khi các đồng tiền tệ khác suy yếu. Sau khi nỗ lực đàm phán đầu tiên của Thủ tướng Boris Johnson với Liên minh châu Âu (EU) bị các quan chức từ chối, Brexit tiếp tục phủ bóng mây đen lên đồng GBP và ngày càng ảnh hưởng đến đồng EUR.
Ông Johnson cho biết, thỏa thuận Brexit bị người tiền nhiệm Theresa May vạch ra đã không còn.
Tuy nhiên, trong một cuộc điện đàm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker đã bác yêu cầu đàm phán của ông Johnson và tuyên bố thỏa thuận của bà May là kế hoạch tốt và khả thi nhất.
Một nghiên cứu mới của các nhà phân tích tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson lập luận rằng, mặc dù Brexit không mang lại lợi ích cho bất kì quốc gia nào, Anh vẫn là kẻ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Tuy nhiên, tác động của Brexit đối với đồng EUR chỉ mới xuất hiện gần đây.
Ông Clemens Fuest, người đứng đầu viện chính sách Ifo ở Munich, nói với Bloomberg vào hôm 25/7 rằng lĩnh vực sản xuất của Đức đang "rơi tự do" và ông không kì vọng nó sẽ chạm đáy trong trường hợp Brexit không thỏa thuận xảy ra.
Đồng EUR cũng không có diễn biến mới và "dậm chân tại chỗ" như trước thời điểm cuộc họp chính sách của ECB diễn ra.
Ngân hàng trung ương của khu vực đồng EUR cho biết họ có thể nới lỏng chính sách vào tháng 9, tuy nhiên lại gây thất vọng khi chỉ cắt giảm 0,1% lãi suất tiền gửi.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất khủng
Trong khi đó, đồng TRY (lira của Thổ Nhĩ Kỳ) đang hứng chịu tác động xấu từ việc ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất mạnh tay vào hôm 25/7.
Đợt hạ lãi suất đến 425 điểm cơ bản xuống mức 19,75% của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận là mức cắt giảm lớn nhất kể từ khi nước này chuyển sang mục tiêu kiểm soát lạm phát hồi năm 2002.
Đồng thời, đợt hạ lãi suất trên còn vượt con số 300 điểm cơ bản mà Tổng thống Tayyip Erdogan kêu gọi. Đồng TRY đã giảm xuống mức 5,6848 so với đồng USD.