Thị trường ngoại hối hôm nay (21/10): Nhà đầu tư mừng hụt vì tưởng bế tắc Brexit đã được khơi thông
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (21/10), vào lúc 17h29 giờ Việt Nam có 3/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 7 cặp còn lại tăng điểm.
Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)
Trong khi đó, cặp GBP/JPY tăng cao nhất với mức tăng 0,56% và cặp EUR/GBP giảm nhiều nhất với mức giảm 0,24%.
Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)
Bế tắc Brexit chưa được khơi thông như nhà đầu tư lầm tưởng
Trong phiên giao dịch sớm hôm nay ở châu Âu, đồng bảng Anh (GBP) giảm nhẹ sau khi London chìm trong không khí ảm đạm vào hai ngày cuối tuần vừa qua, khi mà Thủ tướng Boris Johnson thêm một lần nữa không thể thúc đẩy thỏa thuận Brexit ông đề xuất.
Cụ thể, Thủ tướng Boris Johnson đã chịu thất bại ê chề sau khi nghị viện vào hôm 19/10 biểu quyết buộc ông phải yêu cầu trì hoãn tiến trình Brexit.
Theo trang tin BBC, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu với tỉ lệ 322/306 để ủng hộ phương án gia hạn Brexit, từ đó đảo ngược hoàn toàn thỏa thuận Brexit ông Johnson đạt được với Liên minh châu Âu (EU) vào giữa tuần qua.
"Tôi sẽ không đàm phán với EU để xin gia hạn thêm và luật pháp cũng không bắt buộc tôi phải làm như vậy... trì hoãn thêm nữa sẽ có hại cho đất nước này, có hại cho EU và có hại cho dân chủ", ông Johnson phát biểu đầy thách thức trước quốc hội.
Vào lúc 3h45 (giờ châu Âu), cặp tỷ giá GBP/USD đã giảm 0,3% xuống ngưỡng 1,293 USD, trong khi cặp GBP/EUR giảm hơn 0,1% xuống 1,1587 EUR.
Mức độ biến động không quá lớn và đồng GBP hiện vẫn giao dịch gần mức cao nhất trong nhiều tháng sau khi Anh và EU nhất trí về một thỏa thuận Brexit nhằm chấm dứt chuỗi ngày "đau khổ" cho cả hai bên vào giữa tuần qua, trước sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu.
"Thủ tướng Boris Johnson cần một phe đa số ổn định trong quốc hội để thông qua thỏa thuận Brexit mà ông nỗ lực đàm phán với EU", các nhà phân tích của Nordea thông tin trong một ghi chú.
"Liệu ông ấy có làm được điều đó hay không? Chúng ta còn chẳng dám chắc nữa", họ nhấn mạnh.
Kịch bản cơ sở của Nordea là thời hạn Brexit có thể sẽ chuyển từ ngày 31/10 sang đầu năm 2020, để nước Anh tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác và chọn ra một nhà lãnh đạo mới để cầm trịch Brexit.
Ở thị trường khác, đồng USD bất ngờ mạnh lên so với đồng yen Nhật (JPY) sau khi xuất khẩu của Nhật Bản giảm tháng thứ 10 liên tiếp. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt giữa Tokyo và Seoul.
Cũng trong hôm nay, Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất tham chiếu mới - lần đầu tiên kể từ khi loại hình lãi suất này ra mắt vào tháng 8. Động thái mới cho thấy Bắc Kinh đang không muốn nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức vì lo sợ mức nợ đã quá cao có thể tăng vọt.
Theo đưa tin từ Reuters, lãi suất cho vay tham chiếu (Loan prime rate - LPR) kì hạn một năm tiếp tục giữ ở ngưỡng 4,2%, không đổi so với đợt điều chỉnh vào tháng trước. Trong khi đó, lãi suất LPR kì hạn 5 năm cũng duy trì ở mức 4,85%.
Một khảo sát của Reuters hồi tuần trước dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất tham chiếu sau hai đợt nới lỏng chính sách vào tháng 8 và tháng 9.
Vào lúc 18h (giờ Việt Nam), chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính gần như không thay đổi ở mức 97,055 điểm.