Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (21/10 - 25/10): Cuộc họp chính sách của ECB cùng loạt dữ liệu kinh tế đáng lo ngại
Nguồn: The Balance
Triển vọng thị trường ngoại hối tuần 21/10 - 25/10
Sau một tuần "drama" Brexit đưa nhà đầu tư đi từ hồi hộp này đến bất ngờ kia và một mặt trận thương mại tương đối yên tĩnh, thị trường sẽ chuyển trọng tâm chú ý sang châu Âu - lục địa già một lần nữa.
Theo Forex Crunch, nhà đầu tư đang "đoán già đoán non" xem Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi sẽ quyết định lãi suất như thế nào trong cuộc họp chính sách cuối cùng của mình.
Tuần trước, Brussels đã đưa ra động thái nhượng bộ và đồng thuận với Thủ tướng Anh Boris Johnson về thỏa thuận Brexit do nội các của ông đệ trình. Cũng nhờ diễn biến bất ngờ này, đồng bảng Anh (GBP) tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, bất chấp Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP) từ chối thỏa thuận.
Trong khi đó ở Mỹ, doanh số bán lẻ đáng thất vọng tiếp tục đè nặng lên đồng USD và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc dấy lên một số lo ngại mới.
Sự kiện thị trường ngoại hối 21/10 - 25/10
Cuộc tổng tuyển cử ở Canada diễn ra hôm 21/10, công bố kết quả vào đầu ngày 22/10
Đang trong cuộc đua suýt sao với lãnh đạo Đảng Bảo thủ Andrew Scheer, Thủ tướng đương nhiệm Justin Trudeau hiện rất cố gắng giành thêm một nhiệm kì mới.
Thị trường có thể hài lòng nếu một trong hai nhà lãnh đạo đạt được đa số phiếu trong 339 ghế của quốc hội. Tuy nhiên, đồng đô la Canada (AUD) sẽ gặp khó nếu ông Trudeau lẫn ông Scheer đều không giành chiến thắng.
Mỹ công bố doanh số bán nhà sẵn có, ngày 22/10
Phần lớn giao dịch trên thị trường nhà ở đều liên quan đến các ngôi nhà đã qua sử dụng. Doanh số bán nhà sẵn có thường niên hồi tháng 8 đã tăng lên 5,49 triệu căn. Các nhà kinh tế học dự đoán doanh số sẽ tiếp tục tăng trong tháng 9, bất chấp nền kinh tế Mỹ đang chững lại.
Eurozone công bố chỉ số PMI chính thức, ngày 24/10
Cụ thể, Pháp sẽ công bố chỉ số PMI vào lúc 7h15, Đức vào lúc 7h30 và toàn bộ khu vực eurozone vào lúc 8h (theo giờ châu Âu).
Chỉ số PMI do Markit tổng hợp trước đó đều đồng loạt đi xuống, khiến nhà đầu tư lo sợ kinh tế châu Âu sẽ rơi vào suy thoái. Lĩnh vực sản xuất - trụ cột của nền kinh tế Đức, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giảm xuống còn 41,4 điểm hồi tháng 9. Nếu chỉ số PMI trên 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng, dưới ngưỡng 50 chỉ ra tình trạng co hẹp.
Ngoài ra, mối lo sợ lớn hơn đang treo lửng lơ trên nền kinh tế châu Âu chính là lĩnh vực sản xuất đi xuống có thể kéo theo ngành dịch vụ. Trong tháng 9, chỉ số PMI của toàn khu vực châu Âu đã tụt xuống ngưỡng 45,6 điểm, trong khi ở lĩnh vực dịch vụ cũng giảm còn 52 điểm.
Nếu dữ liệu tiếp tục giảm, nhiều khả năng nền kinh tế của lục địa già sẽ khó vực dậy trong quí IV.
ECB quyết định lãi suất, ngày 24/10
Theo dự đoán của một số chuyên gia, ECB có thể sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ tại cuộc họp cuối cùng của ông Mario Draghi trước khi ông này chuyển giao công việc cho cựu Giám đốc Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
Hồi tháng 9, Chủ tịch Draghi đã đưa ra một quyết định hạ lãi suất - một động thái gây tranh cãi, đồng thời ông còn cho phép ECB khởi động lại chương trình nới lỏng định lượng, cụ thể là mua 20 tỉ euro (EUR) trái phiếu chính phủ mỗi tháng bắt đầu từ tháng 11.
Cuộc họp chính sách cuối cùng của Chủ tịch Mario Draghi được cho là sẽ nhằm mục đích tôn vinh công hiến của ông trong thời gian tại chức, vì kể từ khi gánh vác một trong những trọng trách khó khăn nhất của Liên minh châu Âu (EU), ông luôn sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ đồng EUR.
Mỹ công bố số lượng đơn hàng bền (durable goods), ngày 24/10
Đầu tư luôn là một trong những khía cạnh yếu nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới và dữ liệu của tháng 9 sẽ chỉ ra hoạt động đầu tư đóng góp như thế nào cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.
Số lượng đơn đặt hàng bền của tháng 8 đột ngột tăng nhẹ, giúp nhà đầu tư giải tỏa tâm trạng lo lắng sau nhiều tháng dữ liệu đáng thất vọng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định chỉ số này sẽ giảm trong tháng 9.
Đức công bố chỉ số môi trường kinh doanh Ifo, ngày 25/10
Số liệu gần đây của nền kinh tế lớn nhất lục địa già cho thấy niềm tin doanh nghiệp đã tăng nhẹ sau nhiều tháng giảm đột ngột. Theo dự đoán, cuộc khảo sát của Ifo trên 7.000 doanh nghiệp sẽ cho ra kết quả 94,6, tương đương số liệu hồi tháng 9.