|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường Nga: nhiều tiềm năng, khó thanh toán

22:00 | 22/11/2016
Chia sẻ
Liên bang Nga được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng và quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi hiệp định Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực. Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khăn trong khâu thanh toán.
thi truong nga nhieu tiem nang kho thanh toan
Thủy sản được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng vào thị trường Nga - Ảnh: TL

Tại hội thảo Tiếp cận thị trường Liên bang Nga trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực do Trung tâm WTO – Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư TPHCM phối hợp tổ chức hôm nay (22-11), ông Trần Việt Phương, Phó trưởng phòng Nga-SNG, Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, cho biết trong cơ cấu thương mại với khối liên minh Á-Âu, hơn 80% kim ngạch là tập trung vào thị trường Nga.

Nhu cầu hàng hóa ở thị trường này rất đa dạng và là các sản phẩm có truyền thống xuất khẩu của Việt Nam như nông sản, thủy hải sản, dệt may, da giày…

Các mặt hàng này đều nằm trong danh mục được cắt giảm thuế khi hiệp định có hiệu lực. Sản phẩm dệt may, tất… có thuế suất từ 15% được đưa về 0%. Nhiều loại da giày, túi xách có thuế suất 5-10% được đưa về 0%. Mức thuế suất nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EAEU cũng được giảm ngay từ mức 10% xuống còn 0%, trong đó có nhóm hàng thủy sản chế biến.

“Chưa kể, trong thị trường sản phẩm công nghiệp nhẹ, Nga đang có xu hướng chuyển đổi các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang các nước khác. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Phương nhận định.

Dù hiệp định đem lại nhiều tiềm năng, tuy nhiên theo ông Phương, doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này do hệ thống thanh toán của Nga còn nhiều bất cập.

Cùng nhận định trên, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp lớn, Ngân hàng BIDV, cho hay nhiều doanh nghiệp Nga chưa tuân thủ chặt chẽ các thông lệ quốc tế, ưu tiên sử dụng phương thức thanh toán chuyển tiền trả chậm (trong các giao dịch nhập khẩu từ Việt Nam) hoặc đòi tiền trả trước (trong giao dịch xuất khẩu sang Việt Nam), gây khó khăn về vốn và tăng yếu tố rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Các phương thức thanh toán theo thông lệ như L/C (letter of credit - phương thức thanh toán quốc tế phổ biến nhất hiện nay dành cho doanh nghiệp có hoạt động thương mại với đối tác nước ngoài) lại có chi phí khá cao nên các doanh nghiệp không mặn mà sử dụng.

“Kênh thanh toán không chính thống ở thị trường tiền tệ đen hoạt động rất mạnh, nhanh chóng, thủ tục đơn giản, chi phí thấp nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Chưa kể, do chính sách thắt chặt cấm vận Nga của Mỹ và châu Âu khiến hoạt động thanh toán đến nước này bị thu hẹp, thời gian thanh toán kéo dài, có giao dịch kéo dài đến một tháng”, bà Huyền nói.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (Việt Nam - EAEU) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga và Kyrgyzstan đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10-2016 và được trông đợi sẽ đưa kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên từ 4 tỉ đô la Mỹ hiện tại lên mức 8-10 tỉ đô la Mỹ trong những năm tới.

Trong năm 2015, Việt Nam nhập 824,4 triệu đô la Mỹ từ Nga, chiếm 0,4 % tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam, tăng 28% so với năm 2014. Cũng trong năm này, Việt Nam xuất 2.055,4 triệu đô la Mỹ sang Nga, chiếm 1,1% tổng giá trị xuất khẩu và giảm 28% so với năm 2014.

Bảo Uyên