|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường kì vọng OPEC+ gia hạn mức giảm sản lượng kỉ lục, giá dầu thô đạt đỉnh 3 tháng

17:49 | 03/06/2020
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch ngày 3/6, giá dầu thô tiếp tục tăng cao, đáng chú ý là giá hợp đồng tương lai dầu Brent bật tăng lên trên mức 40 USD/thùng giữa lúc thị trường kì vọng các nhà sản xuất dầu thô quyền lực bậc nhất thế giới sẽ đạt được thỏa thuận gia hạn mức giảm sản lượng kỉ lục hiện tại.
Thị trường kì vọng OPEC+ gia hạn mức giảm sản lượng kỉ lục, giá dầu thô đạt đỉnh 3 tháng - Ảnh 1.

Thị trường kì vọng OPEC+ gia hạn mức giảm sản lượng kỉ lục, giá dầu thô đạt đỉnh ba tháng. Nguồn: Getty Images

Theo CNBC, liên minh OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 4/6 (theo giờ địa phương). Algeria - một thành viên OPEC và hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của liên minh dầu mỏ, đã đề xuất tổ chức cuộc họp sớm hơn kế hoạch ban đầu, cụ thể là ngày 9 - 10/6.

Theo tổng hợp của CNBC trong phiên 3/6, giá hợp đồng tương lai (HĐTL) dầu Brent có lúc giao dịch quanh mức 40,33 USD/thùng, chạm mức đỉnh ba tháng kể từ ngày 6/3 và tăng khoảng 1,9% so với đầu phiên.

Giá HĐTL dầu WTI đứng quanh ngưỡng 37,76 USD/thùng trong suốt phiên buổi sáng (theo giờ địa phương), tăng hơn 2,5%.

Giá dầu thô đã tăng vọt trong vài tuần trở lại đây, phục hồi từ mức thấp kỉ lục trong tháng 4 khi mà nhà đầu tư lạc quan về tiến độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc cũng như nhờ việc một số nước lớn khác đang tích cực tìm cách nới lỏng phong tỏa.

Hồi tháng 4, OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng dầu thô kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tức tương đương 10% sản lượng toàn cầu nhằm kéo ngành công nghiệp dầu mỏ ra khỏi vực sâu sau khi cú sốc COVID-19 khiến nhu cầu dầu mỏ sụp đổ ở mức độ chưa từng thấy.

Liên minh OPEC+ đã bắt đầu giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày vào ngày 1/5 và sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng 6. Sau đó, các nước thành viên sẽ hạ mức giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 cho đến hết năm 2020 và còn 5,8 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 1/2021 - 4/2022.

Những lựa chọn nào đang nằm trên bàn đàm phán?

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group nhận định, liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ nhất trí gia hạn cam kết giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 7 - 9/2020.

"Như thường lệ, Nga ban đầu sẽ tỏ ra cứng rắn nhưng sau cùng thì họ sẵn sàng thỏa hiệp. Quan trọng hơn, Nga muốn thống nhất quan điểm với Arab Saudi nhằm chứng minh mối quan hệ đối tác OPEC+ vẫn vững chắc", nhóm nhà phân tích của Eurasia cho hay.

"Còn đối với Arab Saudi, gia hạn cam kết giảm sản lượng trong ngắn hạn là một lựa chọn có thể chấp nhận được vì như thế, quốc gia dầu mỏ này sẽ có cơ hội đánh giá lại mức giảm dựa theo diễn biến trên thị trường", các nhà phân tích trên lí giải tiếp.

Khác với phiên họp hồi tháng 3 (ngay trước cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Arab Saudi), tâm lí của các thành viên chủ chốt trong liên minh dầu mỏ hiện đã tích cực hơn nhiều. Giới chuyên gia nhận định OPEC+ thậm chí có thể gia hạn mức giảm sản lượng hiện tại cho đến cuối năm 2020, dù khả năng này ít triển vọng hơn mức gia hạn 2 - 3 tháng.

Ở diễn biến khác, ông Tamas Varga - nhà phân tích cao cấp tại PVM Oil Associates, cho rằng nhà đầu tư nào đang hi vọng giá dầu tăng lên trên 50 USD/thùng rất có thể sẽ phải đợi cho đến cuối năm 2021.

Ông Varga lập luận, nhiều nhà đầu tư đang xem cuộc đua đưa hoạt động kinh tế về trạng thái trước đại dịch là "một cuộc chạy nước rút", tuy nhiên trên thực tế đây "có thể chỉ mới là một nửa của một cuộc đua marathon".

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra mức sụt giảm nghiêm trọng nhất trong lịch sử đầu tư năng lượng toàn cầu và chi tiêu sẽ giảm mạnh trong mọi lĩnh vực chính của ngành trong năm nay.

Khả Nhân