|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất lịch sử?

15:45 | 03/06/2020
Chia sẻ
OPEC+ đang tiến hành sắp xếp lại cuộc họp vào thứ Năm (4/6), sớm hơn dự định ban đầu (9/6), nhằm xem xét đề xuất kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm một thời gian ngắn.

Các báo cáo mới nhất cho thấy thỏa thuận giảm sản lượng được kì vọng sẽ kéo dài thêm 1 - 3 tháng nữa, theo oilprice.com.

Nếu không có gì thay đổi, thỏa thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày sẽ hết hạn vào cuối tháng 6.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn giữa các thành viên về việc kéo dài này khiến OPEC+ vẫn chưa đưa ra được quyết định.

Arab Saudi muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm cho đến cuối năm nay, trong khi Nga lại bày tỏ thái độ miễn cưỡng.

Một nhà cung cấp dầu mỏ ở Nga trả lời phỏng vấn Reuters: “Chúng tôi có thể kéo dài thỏa thuận thêm 1-2 tháng nữa, nhưng nửa năm thì không thể”.

Lần cắt giảm sản lượng lớn nhất lịch sử này đã thành công trong việc kéo thị trường dầu mỏ khỏi cuộc khủng hoảng hoàn toàn. Từ mức âm hồi tháng 4, đến nay, giá dầu thô đã phục hồi lên mức trên 30 USD/thùng.

Nhiều công ty khai thác dầu đá phiến phá sản do chịu tác động của đợt lao dốc của giá dầu vừa qua cũng góp phần cân bằng cung - cầu.

Sản lượng dầu ở Mỹ giảm ít nhất 1,6 triệu thùng/ngày, tương đương 12% chỉ sau hơn hai tháng.

Quyết định kéo dài này cũng sẽ ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khác, mặc dù không rõ nó có tác động tích cực đến giá dầu hiện tại hay không.

Các nhà phân tích của JBC Energy cho hay “Thực tế giá dầu thô không có quá nhiều biến động trước kì vọng thỏa thuận giảm sản lượng được gia hạn. Điều này cho thấy thị trường vốn đang rất tích cực”

Nga có thể không muốn gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng thêm một hoặc hai tháng nữa, điều này đặt ra câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra vào cuối năm nay.

Tháo gỡ việc cắt giảm sản xuất có thể đối mặt với nhiều áp lực. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng nếu giá dầu tăng lên 40 USD/thùng có thể khởi đầu một cuộc chiến về dầu thô mới.

Ngoài ra, tỉ lệ tuân thủ cam kết giảm sản lượng dầu của Iraq và Nigeria thấp khiến sự gắn kết trong nội bộ OPEC bị lỏng lẻo.

Mức tuân thủ giảm theo thỏa thuận trong tháng 5 của Iraq là 42%, trong khi Nigeria chỉ là 34%.

Trong khi nguồn thu ngân sách của nhiều quốc gia giảm do sự lao dốc của giá dầu thô thì Nigeria và Iraq đặc biệt khó khăn, ít nhất là khi so sánh với các quốc gia giàu có ở Vùng Vịnh.

Tuy nhiên, hiện nay, việc gấp rút ngăn chặn sự sụt giảm mạnh của giá dầu là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ đề xuất kéo dài thỏa thuận.

Đồng thời, thị trường dầu mỏ và những điều kiện kinh tế vĩ mô đang có những dấu hiệu trái chiều.

Mặc dù nhu cầu đã bắt đầu tăng trở lại trong tháng 4, nhưng vẫn chưa thể phục hồi như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.

Tồn kho dầu thô tăng từ tuần trước, và nhu cầu xăng dầu của Mỹ vẫn duy trì khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, dưới mức trước đại dịch.

Các chỉ số toàn cầu cũng đưa ra những tín hiệu trái chiều. Nhiều nhà đầu tư tin vào sự phục hồi khiến thị trường tiền tệ tăng nhanh. Hoạt động sản xuất tại Mỹ, Châu Âu và Châu Á cũng ít nhiều tăng trở lại.

“Sự tăng trưởng toàn cầu sẽ không bằng năm 2017, nhưng mọi khó khăn đang dần được tháo gỡ” ông Chris Chris Turner, người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại ING Bank, trả lời phỏng vấn tờ WSJ.

Thế nhưng, các chỉ số vẫn ở mức rất thấp so với trước đại dịch. Chẳng hạn, chỉ số sản xuất của Mỹ đã có bước tăng trưởng, từ 41,5 trong tháng 4 lên 43,1 trong tháng 5, đó vẫn là một con số khó thể chấp nhận. Việc chỉ số này dưới mức 50 vẫn được coi là tín hiệu của sự suy giảm.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là mối đe dọa đến nền kinh tế thế giới.

Trước những khó khăn và biến động hiện tại, OPEC+ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tháo gỡ vấn đề cắt giảm hơn là đồng ý với việc kéo dài thỏa thuận.

Đức Quỳnh