Thị trường heo hơi Trung Quốc năm 2018 sẽ ra sao?
Tình hình nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc năm 2017
Xu hướng nhập khẩu mạnh thịt heo của Trung Quốc trong năm 2016 đã kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu thịt heo nuôi tham vọng lớn vào thị trường này ngay từ đầu năm 2017. Thực tế cho thấy, Trung Quốc vẫn tích cực nhập khẩu mặt hàng này trong 3 tháng đầu năm 2017, với khối lượng đạt 346.151 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy nhiên, rất bất ngờ là thị trường này bắt đầu giảm mạnh nhập khẩu thịt heo từ tháng 4/2017. Thời điểm nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc xuống thấp kỷ lục là giai đoạn tháng 6 – tháng 10/2017, chỉ dao động trong khoảng 83.000 – 90.000 tấn/tháng.
Tính chung cả năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 1.216.757 tấn thịt heo và 1.236.454 tấn bộ phận thừa của con heo, lần lượt giảm 25% và 8% so với năm 2016. Có ba nguyên nhân chính khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu thịt heo trong năm ngoái.
Nguồn: IQC Insights |
Thứ nhất là do nguồn cung thịt heo trong nước tăng. Theo thống kê, số lượng heo bị giết mổ tại những lò mổ có đăng ký ở Trung Quốc tăng 6,3% lên 221,82 triệu con trong năm 2017.
Thứ hai là do giá thịt heo trong nước giảm và đây cũng là lý do quan trọng nhất. Giá heo hơi trung bình năm 2017 tại Trung Quốc đạt 14,8 nhân dân tệ/kg, giảm 19% so với năm trước.
Tương tự, giá thịt heo móc hàm tại Trung Quốc cũng giảm 15%, từ mức 24,4 nhân dân tệ/kg của năm 2016 xuống còn 20,8 nhân dân tệ/kg trong năm 2017. Kết quả là, chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và nước ngoài được thu hẹp đáng kể.
Thứ ba là do người tiêu dùng trong nước ưa thích dùng thịt heo tươi sống hơn là sản phẩm đông lạnh. Trong khi đó, thịt heo đông lạnh chủ yếu được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước nhập khẩu về. Tuy nhiên, khi chênh lệch giá heo trong nước và nước ngoài ngày càng thu hẹp thì các doanh nghiêp cũng không mấy mặn mà với thịt nhập khẩu.
Trước đó, trong bối cảnh chi phí lao động và thuê mặt bằng tăng nhanh nên các doanh nghiệp chế biến và lò giết mổ Trung Quốc thường chọn thịt heo nhập khẩu để giảm chi phí đầu vào.
Như vậy, có thể nói khối lượng nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc tỷ lệ thuận với chênh lệch giá thịt heo móc hàm trong nước và giá thịt heo nhập khẩu từ nước ngoài (giá CIF).
Nguồn: IQC Insights |
Biểu đồ trên cho thấy rõ một xu hướng là, khi giá thịt heo trong nước tăng và chênh lệch giá với thị trường nước ngoài tăng thì khối lượng nhập khẩu heo của Trung Quốc cũng tăng theo. Ngược lại, khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong nước yếu ớt, như giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10/2017, giá thịt heo trong nước bắt đầu giảm. Kết quả là, chênh lệch giá với thị trường nước ngoài được thu hẹp và khối lượng nhập khẩu thịt heo cũng giảm.
Một yếu tố quan trọng khác chính là thời gian giao hàng. Thường phải mất một hoặc hai tháng để vận chuyển thịt heo từ các nước châu Âu, Mỹ qua tới Trung Quốc. Vì vậy, với việc chênh lệch giá không quá lớn, người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang chọn thịt được sản xuất trong nước.
Trong 15 quốc gia xuất khẩu thịt heo nhiều nhất sang Trung Quốc trong năm 2017, có tới 12 quốc gia ghi nhận khối lượng giảm so với năm 2016. Chỉ có Vương quốc Anh và Mexico tăng xuất khẩu; trong đó, Mexico ghi nhận tăng mức tăng trưởng nhanh nhất với 738%.
Nguồn: IQC Insights |
Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ Trung Quốc, cũng có yếu tố xuất phát từ chính các quốc gia xuất khẩu ảnh hưởng đến tình hình thương mại thịt heo với Trung Quốc.
Điển hình là bê bối thịt bẩn tại Brazil vào tháng 3/2017, khiến xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc giảm tới 39,6% xuống còn 48.716 tấn trong năm ngoái. Với Đức, việc Cục Kiểm dịch và Giám sát chất lượng Trung Quốc đóng 7 cơ sở sản xuất thịt heo của Đức trong 4 tháng liên tiếp cũng khiến khối lượng xuất khẩu thịt heo của Đức sang thị trường này giảm tới 38,5% trong năm 2017.
Đối với các bộ phận dư thừa của heo, khối lượng xuất khẩu từ 11 quốc gia cũng giảm 8% trong năm ngoái. Trung Quốc là nước nhập khẩu chính các bộ phân dư thừa của heo, như đầu, sườn (miếng sườn đã bị lọc phần lớn thịt) và chân sau, từ các quốc gia châu Âu và Mỹ.
Nguồn: IQC Insights |
Thị trường heo hơi Trung Quốc trong năm 2018 sẽ ra sao?
Năm 2018, thị trường heo hơi Trung Quốc được dự báo vẫn theo xu hướng của năm 2017, với giá ở mức thấp kỷ lục, bởi nguồn cung heo hơi vẫn rất lớn, chuyên gia phân tích Angela Zhang tại Công ty IQC Insights cho biết. Mặc dù nhiều trang trại heo quy mô vừa và nhỏ đã đóng cửa trong vòng ba năm trở lại đây nhưng các doanh nghiệp lớn lại tận dụng cơ hội này để mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất. Theo đó, sản lượng thịt heo dự báo tiếp tục tăng từ năm 2018 trở đi.
Tuy nhiên, đà giảm giá trong năm 2018 sẽ không giống như năm 2017 vì chi phí chăn nuôi heo dài hạn của các doanh nghiệp Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài, bà Zhang cho hay. Dự báo vẫn sẽ tồn tại khoảng chênh lệch giữa giá thịt heo Trung Quốc và thế giới vì giá thịt heo thế giới có thể giảm do dư thừa nguồn cung,
Bên cạnh đó, đà tăng giá của nhân dân tệ và chính sách mở cửa thương mại với thế giới sẽ kích thích hoạt động nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng giá so với USD, tăng 2,5% kể từ đầu năm nay đến ngày 5/3. Bà Zhang dự báo, nhập khẩu thịt heo và các bộ phận thừa của Trung Quốc vẫn ở mức cao, đạt hơn 1 triệu tấn trong năm 2018.