Thị trường hàng hóa ngày càng 'phình' to
Nguồn: Financial Times |
Năm 2017, quy mô thị trường hàng hóa tăng trưởng mạnh
Năm 2017 là năm bùng nổ của thị trường hàng hóa, từ dầu thô tới dầu đậu nành, với số hợp đồng mở lên cao kỷ lục. Hợp đồng mở là tổng số hợp đồng mở vị thế chưa thanh lý hoặc chưa đến hạn giao đối với thị trường kỳ hạn hoặc/và thị trường quyền chọn.
Financial Times dẫn số liệu của Bloomberg Intelligence cho biết, tổng hợp đồng mở đối với các hàng hóa thuộc Chỉ số Hàng hóa Bloomberg (BCI) tính đến cuối tháng 9 đã chạm kỷ lục ở 14,3 triệu hợp đồng.
Số lượng hợp đồng mở trên thị trường hàng hóa trong 12 năm qua. |
Quy mô thị trường hàng hóa đã tăng gần 1,4 triệu hợp đồng trong 9 tháng đầu năm 2017, mức tăng mạnh nhất trong 7 năm qua, Financial Times cho biết.
Riêng trong tuần cuối cùng của tháng 9, số hợp đồng mở của dầu thô Mỹ đã chạm kỷ lục mới 2,4 triệu hợp đồng trên sàn New York Mercantile Exchange (Nymex). Tại London, số hợp đồng dầu diesel (có hàm lượng lưu huỳnh thấp) kỳ hạn cũng vượt ngưỡng 1 triệu lần đầu tiên trong lịch sử.
Đây là mức tăng đáng kinh ngạc, nhất là khi hàng hóa đang là một trong những tài sản mang lại ít lợi nhuận nhất cho giới đầu tư trong thập kỷ này.
Tuy nhiên, giới đầu tư đổ tiền vào chỉ số BCI đã thua lỗ 38% kể từ năm 2010, trong khi lợi nhuận từ chỉ số chứng khoán S&P 500 đã tăng tới 164%. Mức độ biến động của chỉ số BCI ngày càng thấp nên các quỹ quản lý tài sản cũng không có cơ hội để kiếm lời lớn.
Tổng lợi nhuận của chỉ số BCI. |
“Nếu nhìn qua các thị trường khác, trái phiếu và chứng khoán đều là tài sản tăng giá mạnh. Trong khi đó, hàng hóa lại là một trong số ít tài sản bị giảm giá mạnh,” ông Tim Atwill, trưởng phòng chiến lược đầu tư của quỹ Parametric (Mỹ) nói.
Tất nhiên, không phải ngành hàng nào cũng ghi nhận số lượng hợp đồng mở tăng.
Xu hướng đầu tư vào các ngành hàng. |
Tại sao lượng hợp đồng mở trên thị trường hàng hóa lên kỷ lục?
Theo một số chuyên gia, lượng hợp đồng mở tăng chứng tỏ giới đầu tư đang muốn quay lại với thị trường hàng hóa.
Chuyên gia phân tích Aakash Doshi tại ngân hàng Citigroup cho biết, tổng số vốn mà các quỹ quản lý tài sản đổ vào thị trường hàng hóa gần đây đã vượt ngưỡng 400 tỷ USD lần đầu tiên trong hơn một năm qua. Chỉ số BCI đến cuối quý III dù giảm so với đầu năm nhưng lại tăng 2,9% trong riêng quý III.
Về mặt toán học, lượng hợp đồng mở sẽ tăng khi giá giảm. Ví dụ, với 100 USD, giới đầu tư có thể mua khoảng hai thùng dầu thô trong bối cảnh giá dầu Mỹ đang giao dịch ở 52,55 USD/thùng, nhưng sẽ chỉ mua được gần một thùng nếu giá giao dịch trên ngưỡng 100 USD.
Biến động giá thấp cũng là một yếu tố đẩy lượng hợp đồng mở trên thị trường hàng hóa lên cao, ông Greg Sharenow, Quản lý danh mục đầu tư hàng hóa tại quỹ Pimco. Biến động giá thấp đồng nghĩa rằng, các phòng thanh toán bù trừ nói chung sẽ “dễ tính” hơn trong yêu cầu về vay ký quỹ hay tài sản thế chấp. Theo đó, các quỹ đầu tư có thể dễ dàng thực hiện các màn đặt cược lớn hơn.
“Lượng hợp đồng mở tăng là kết quả của cả hai yếu tố, gồm biến động giá thấp và giá hàng hóa giảm,” ông Sharenow nói.
Xu hướng đầu tư vào thị trường hàng hóa ngày càng phổ biến
Cũng theo ông Sharenow, chiến lược đầu tư phổ biến hiện nay là đầu tư theo xu hướng giá hoặc đầu tư vào thị trường hàng hóa. Kể từ đầu năm nay, các quỹ giao dịch hàng hóa kỳ hạn đã chi 5 tỷ USD để đầu tư mới, đẩy tổng giá trị tài sản quỹ lên 126 tỷ USD, theo số liệu của eVestment.
Hiện nay, nhiều công ty thường tìm đến các thị trường hàng hóa kỳ hạn để tránh rủi ro liên quan tới giá cả.