|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa 2/10: Việt Nam đánh thuế nhôm Trung Quốc, giá thanh long tăng mạnh trong tháng 9

19:53 | 02/10/2019
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa ngày 2/10 nổi bật với thông tin Bộ Công Thương chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bằng nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Việt Nam áp thuế lên tới 35,58% đối với nhôm Trung Quốc

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết ngày 28/9, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là 2,49 - 35,58%. Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 16 công ty.

Dù hướng tới năng lượng sạch, 'than đá vẫn là vua' ở Đông Nam Á

Nghiên cứu của Wood Mackenzie cho thấy, than không chỉ tiếp tục là nguồn nhiên liệu chủ chốt trong sản xuất điện ở Đông Nam Á, việc sử dụng than sẽ còn tăng và đạt đỉnh vào năm 2027 trước khi chững lại.

Đến năm 2040, than đá sẽ chiếm 36% nguồn cung để sản xuất điện năng của khu vực Đông Nam Á.

Giá thanh long, dừa khô tăng mạnh trong tháng 9 

Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết trong tháng 9, giá của nhiều mặt hàng trái cây tăng giảm liên tục.

Cụ thể, sau thời gian rớt giá thê thảm, hiện nay, giá thanh long ruột trắng ở tỉnh Tiền Giang tăng đến hơn 15.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với thời điểm giữa tháng. Với mức giá này, nhà vườn có lãi hơn 5.000 đồng/kg.

Theo các doanh nghiệp, giá thanh long ruột trắng tăng cao là do nhu cầu xuất khẩu trái cây này hút hàng, nhất là thị trường Trung quốc.

Giới chuyên gia: Xu hướng thịt nhân tạo ngày càng tăng tại Trung Quốc

Tại một quốc gia nơi thịt heo là nguồn protein chính, dịch tả heo châu Phi (ASF) là nhân tố khiến nguồn cung thịt giảm mạnh, Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo công bố hồi tháng 9.

Dịch ASF, virus có sức lây nhiễm cao và nguy hiểm, đã dẫn tới việc tiêu hủy khoảng 1,17 triệu con heo tại Trung Quốc, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Trung Quốc là nhà tiêu thụ thịt heo lớn nhất, và cũng là nhà sản xuất thịt heo số một thế giới trong năm 2018, công ty dữ liệu Statista cho hay.

 Xuất khẩu gạo Ấn Độ gặp khó sau khi Arab Saudi siết qui định chất lượng

Theo đó, kể từ ngày 1/9, Cơ quan Quản lí Thực phẩm & Dược phẩm Saudi (SFDA), cơ quan quản lí chất lượng của quốc gia Trung Đông, bắt buộc mỗi lô hàng gạo phải kèm theo Giấy chứng nhận Phù hợp (COC).

Cơ quan đã cho các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ thời gian đến ngày 31/12 để cung cấp một bản cam kết cho các lô hàng được gửi sau ngày 1/9/2019 rằng COC sẽ được nộp đúng hạn.

Các nhà xuất khẩu Ấn Độ ước tính xuất khẩu sang vương quốc giảm mạnh từ năm tới vì qui định mới. Xuất khẩu gạo Ấn Độ sang Iran đã dừng lại trong hai tháng qua. 

Lyly Cao