Thị trường gọi xe công nghệ thay đổi ra sao sau khi Nghị định 126 có hiệu lực
Đằng sau việc tăng giá của Grab
Hôm 4/12, Grab thông báo sẽ tăng giá cước cho các dịch vụ gọi xe 2 bánh và 4 bánh từ 5/12. Cụ thể, cước phí GrabCar trên mỗi km tại TP HCM sẽ tăng từ 9.000 đồng lên 9.500 đồng, trong khi phí GrabBike sau 2km đầu tiên tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km.
Chính sách doanh thu của tài xế Grab cũng có những điều chỉnh. Với tài xế GrabBike, tỉ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe cũng tăng từ 20% lên 27,273%. Theo Grab, 20% vẫn là phí sử dụng dịch vụ của tài xế (chiết khấu) còn phần thêm vào là thuế Giá trị Gia tăng (VAT) mà đối tác phải nộp.
Với trường hợp GrabCar, nhóm tài xế hiện bị khấu trừ 23,6% sẽ tăng lên 28,364% trong khi nhóm bị khấu trừ 28,375% sẽ chịu chiết khấu 32,841%.
Grab cho biết công ty thay đổi chính sách chiết khấu và tăng giá đến từ việc Nghị định 126/2020 qui định chi tiết một số điều của Luật Quản lí thuế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/9.
Điểm c, khoản 5 điều 7 trong Nghị định 126 qui định: "Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo qui định của pháp luật về thuế và quản lí thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh".
"Qui định của pháp luật về thuế và quản lí thuế của tổ chức" có thể được xác định là những nghĩa vụ thuế mà một doanh nghiệp phải đóng. Với các doanh nghiệp kinh doanh gọi xe công nghệ, mức thuế VAT kê khai sẽ là 10%.
Trước khi Nghị định 126 có hiệu lực, mức thuế VAT mà nhiều hãng gọi xe công nghệ kê khai là 3% (theo qui định của Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 và Công văn 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017).
Tuy nhiên từ 5/12, mức VAT đã tăng thêm 7% lên 10%. Về bản chất, VAT là thuế đánh vào người dùng cuối. Đó là lí do mà Grab tăng phí di chuyển trên mỗi km.
Một ứng dụng khác là Baemin cũng điều chỉnh chính sách tới tài xế. Cụ thể, mức chiết khấu tổng (đã trừ VAT) của tài xế Baemin đã tăng từ 20% lên 27,273%. Điều này có thể khiến mức thu nhập của tài xế bị tác động, nếu công ty không tăng giá cước.
Trong khi đó, nhiều ứng dụng còn lại vẫn "án binh bất động" sau khi Nghị định 126 có hiệu lực.
Thị trường gọi xe sẽ thay đổi ra sao
Theo qui luật cung cầu, khi một dịch vụ tăng giá đương nhiên có thể một bộ phận người dùng sẽ chuyển sang các dịch vụ khác tương tự/gần tương tự để thay thế. Mức giá tăng sẽ giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên nhìn từ một hướng khác, trong trường hợp khác, trong trường hợp mức thuế VAT mà các doanh nghiệp kê khai tăng từ 3% lên 10%, thì đương nhiên một trong các chủ thể còn lại (doanh nghiệp, tài xế) phải chịu thiệt nếu giá giữ nguyên (khách hàng không mất thêm tiền).
Trong trường hợp hãng gọi xe tiếp tục không thay đổi mức chiết khấu thu từ tài xế, sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận thu về (khi phải kê khai thêm 7% thuế). Ngược lại, nếu tăng mức chiết khấu cho tài xế để nộp thuế, thì những đối tác này sẽ bị giảm thu nhập sâu.
Ví dụ từ trường hợp của Grab, hãng gọi xe này kết hợp tăng giá và đồng thời thay đổi mức chiết khấu. Công ty khẳng định mức thu nhập của tài xế dự kiến sẽ giảm 1%, thay vì 7% (trong trường hợp không tăng giá cước).
Đương nhiên, mức giảm thu nhập dự kiến sẽ không bao gồm việc khách hàng có thể chuyển sang ứng dụng khác, hoặc taxi truyền thống.
Trong nhiều năm trở lại, các Hiệp hội taxi truyền thống vẫn thường "thắc mắc" về tính cạnh tranh công bằng trong kinh doanh khi so sánh với các ứng dụng gọi xe công nghệ. Hiện tại với qui định mới, Grab hiện cũng đã kê khai VAT tương tự các doanh nghiệp taxi khác (10%).
Tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính về thuế và hải quan năm 2020, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế khẳng định những qui đinh trong Nghị định 126 về thuế VAT phải kê khai của các ứng dụng gọi xe hoàn toàn phù hợp Luật quản lí thuế và Luật thuế Giá trị gia tăng.