Thị trường dược toàn cầu đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu bởi sự lây lan của virus corona
Ngành dược Ấn Độ, nơi cung cấp khoảng 20% lương thuốc toàn cầu, cảnh báo rằng dịch covid-19 đang đe dọa nguồn cung nguyên liệu thô từ Trung Quốc, theo CNN.
Các hãng dược nói hiện tại họ không có đủ nguồn cùng để tiếp tục sản xuất. Nhưng hoạt động của họ có thể lâm nguy nếu dịch covid-19 tiếp tục gây gián đoạn hoạt động sản xuất ở Trung Quốc.
Nguy cơ khan hiếm nguyên liệu sản xuất thuốc ở Ấn Độ
Khoảng 70% nguyên liệu thô mà ngành dược Ấn Độ sử dụng tới từ Trung Quốc, theo hãng môi giới chứng khoán SBICAP Securities. Tỉnh Hồ Bắc - nơi virus bắt đầu lây nhiễm sang người - là một trong những trung tâm sản xuất nguyên liệu thô cho ngành dược.
"Rất nhiều chuỗi giá trị của ngành dược Ấn Độ liên kết với Trung Quốc. Nếu dịch covid-19 tiếp tục thêm hơn một tháng hoặc 45 ngày nữa, nó sẽ bắt đầu tạo ra vấn đề lớn cho ngành dược", Umang Vohra, giám đốc công ty sản xuất thuốc gốc Cipla, nói với các nhà đầu tư hôm 5/2.
Dịch covid-19 bắt đầu từ thành phố Vũ Hán và đã lây nhiễm hơn 84.000 người tính ngày 28/2. Phần lớn bệnh nhân sống ở Trung Quốc. Số người chết đã vượt 2.800 người.
Nền sản xuất Trung Quốc đang hoạt động trở lại, song một bộ phận nhà máy ở đại lục vẫn đóng cửa. Có lẽ chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải chờ vài tuần, thậm chí vài tháng, để phục hồi hoàn toàn.
Ấn Độ là nước xuất khẩu thuốc gốc lớn nhất thế giới. Họ xuất khối lượng thuốc rất lớn sang nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ.
Kunal Dhamesha, một nhà phân tích của công ty chứng khoán SBICAP Securities, nhận định những hãng dược sản xuất thuốc chống viêm và hormone - như GSK Ấn Độ, Pfizer, Cipla - là đối tượng đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu lớn nhất.
Aurobindo Pharma, Cadila Healthcare và Sun Pharma là 3 trong số những nhà sản xuất dược cảm thấy quan ngại trước diễn biến của dịch covid-19.
Kamal Sharma, phó chủ tịch hãng dược Lupin, từng nói với các nhà đầu tư hôm 6/2 rằng, mặc dù công ty có đủ nguyên liệu để sản xuất trong vài tháng nữa, song khả năng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sau những tháng đó khá mong manh.
Sun Pharmaceutical, hãng dược chủ yếu xuất sản phẩm sang Mỹ, nói rằng kho hàng của công ty có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng trong ngắn hạn. Nhưng họ cảnh báo rằng các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng ngành dược khá phức tạp, và nguồn gốc ban đầu của nguyên liệu không phải lúc nào cũng rõ ràng.
"Một tỉ lệ lớn nguyên liệu có thể phụ thuộc vào trung gian ở Trung Quốc. Đôi khi chúng tôi nghĩ chúng tôi mua nguyên liệu từ Ấn Độ, song thực ra nó lại có nguồn gốc từ Trung Quốc", Dilip Shanghvi, giám đốc vận hành của công ty Sun Pharmaceutical, phát biểu.
Tác động toàn cầu
Jens Spahn, Bộ trưởng Y tế Đức, cảnh báo hôm 27/2 rằng dịch covid-19 có thể dẫn tới tình trạng thiếu thuốc ở châu Âu. Ông kêu gọi Ủy ban châu Âu đề xuất giải pháp để khắc phục tình hình.
Các hãng dược Mỹ và châu Âu cũng đang theo dõi tình hình để dự liệu giải pháp nếu tình trạng thiếu nguyên liệu diễn ra.
"Trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn ổn, song đương nhiên chúng tôi phải đề phòng nguy cơ thiếu nguyên liệu", Emma Walmsley, giám đốc của tập đoàn GSK, phát biểu hôm 5/2.
Bà Emma nói GSK thường xuyên giám sát nguồn cung trong những tình huống giống như covid-19, đồng thời luôn đánh giá tác động dài hạn của tình hình.
Mylan, một nhà sản xuất thuốc gốc lớn, đã chuẩn bị một số biện pháp phòng vệ. Pfizer chưa thấy sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng của hãng, và phần lớn thành phẩm, nguyên liệu của hãng có nguồn gốc từ những nước khác, chứ không phải Trung Quốc.
Với phần lớn nguồn cung y tế ở Mỹ tới hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc, dịch covid-19 có thể gây nên tác động tiêu cực đối với chuỗi cung ứng, theo Robert Kadlec, Thứ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ.
"Hiện tại các nhà phân phối và nhà cung cấp cảm thấy ổn. Tác động của covid-19 trong dài hạn vẫn là mối lo của họ", ông Robert Kadlec phát biểu trong một cuộc họp báo ở Hội đồng Đối ngoại hôm 25/2.