|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường địa ốc Hà Nội có dễ để các doanh nghiệp phía Nam 'xơi'?

08:04 | 23/10/2020
Chia sẻ
Đại diện Savills cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá thành công của các chủ đầu tư phía Nam khi tham gia vào thị trường Hà Nội.
Thị trường địa ốc Hà Nội có dễ để các doanh nghiệp phía Nam 'xơi'? - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản Hà Nội đang hấp dẫn các chủ đầu tư tại TP HCM và nước ngoài. (Ảnh: Hoàng Huy)

Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đang được kì vọng có những diễn biến mới nhờ sự góp mặt của các chủ đầu tư từ TP HCM và các chủ đầu tư nước ngoài.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, hiện tượng này là dễ hiểu bởi có ba yếu tố chính khiến thị trường Hà Nội đang trở thành một thị trường tiềm năng.

Thứ nhất, pháp lí là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư yên tâm. Thứ hai, các nhà đầu tư TP HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội.

Thứ ba, bản thân các chủ đầu tư có đủ năng lực để kết hợp với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn có thể đáp ứng được kì vọng của chủ đầu tư.

Đại diện Savills cũng đánh giá, các chủ đầu tư phía Nam đang Bắc tiến đều là những chủ đầu tư có nhiều kinh nghiệm về phát triển bất động sản. 

Trong mắt các doanh nghiệp này, mặc dù các chủ đầu tư ở Hà Nội bắt đầu chú trọng đến việc phát triển điều kiện hạ tầng, đầu tư tiện ích và cải thiện qui trình bàn giao nhưng nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam.

Theo vị chuyên gia này, để đánh giá thành công của các chủ đầu tư phía Nam tại thị trường Hà Nội vẫn còn quá sớm. Các chủ đầu tư từ TP HCM sẽ cần cân nhắc tâm lí khách hàng như là một trong những thách thức lớn, vì họ có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị trường bất động sản Hà Nội, cụ thể là về giá.

Tại TP HCM, những dự án tại trung tâm TP có thể lên đến và trên 10.000 USD/ m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất là ít và rất khó bán. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, nhưng thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư này.

Ở góc độ đầu tư, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, quĩ đất tại TP HCM đang ngày càng khan hiếm. Điều này đã và đang tạo ra một làn sóng dịch chuyển từ TP HCM ra Hà Nội để tìm kiếm những cơ hội mới.

Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội, các chủ đầu tư từ TP HCM lại không có nhiều lợi thế. Đa phần các dự án nhà ở Hà Nội được đầu tư bởi các chủ đầu tư xuất phát từ Hà Nội và chất lượng thị trường chung cư nhà ở Hà Nội có phần thấp hơn so với TP HCM.

"Cái khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư từ TP HCM là tìm kiếm các dự án tiềm năng và cơ hội hợp tác với chủ đất tại Hà Nội. Để khắc phục điều đó, các nhà đầu tư đang đưa ra các cấu trúc giao dịch linh hoạt hơn, đẩy mạnh ưu thế về tính sáng tạo trong phát triển dự án để khuyến khích cơ hội hợp tác với các chủ đầu tư tại Hà Nội", bà Minh nhận định.

Dòng tiền mới sẽ lại đẩy giá nhà tăng?

Chia sẻ tại buổi họp báo mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, lượng tin đăng ở khu vực miền Bắc có xu hướng tăng cao, kể cả trong giai đoạn dịch cho đến hiện nay. 

Bên cạnh đó, lượng giao dịch của thị trường BĐS miền Bắc vẫn duy trì ở mức tốt, đặc biệt là phân khúc nhà đất thổ cư.

Theo vị chuyên gia này, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường miền Bắc khiến cho khu vực này ghi nhận lượng quan tâm cao. Nhiều nhà đầu tư tại khu vực miền Nam đang có xu hướng Bắc tiến do thị trường BĐS khu vực miền Bắc có nhiều sự lựa chọn hơn. 

Cùng với đó, các nhà đầu tư tại Hà Nội cũng đang quay trở lại khu vực này và cả các khu vực lân cận.

"Trong quí IV/2020, một số chủ đầu tư có tiếng ở thị trường miền Nam sẽ gia nhập miền Bắc. Theo qui luật, dòng tiền vào đâu nhiều thì giá BĐS ở đó sẽ tăng", ông Quốc Anh nói.

Hà Lê