Thị trường dầu thô đang dần trở về trạng thái cân bằng?
Theo Reuters, thị trường dường như lạc quan hơn về nguồn cung dầu thô. Điều này giảm bớt sức nóng của giá dầu sau khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ kể từ giữa tháng 2.
Về mặt tiêu thụ, việc sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc đã giảm trong bối cảnh nước này đang đóng cửa nhiều thành phố lớn nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19. Đồng thời, đã xuất hiện những dấu hiệu suy thoái ban đầu của nền kinh tế Mỹ và Châu Âu, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Về mặt nguồn cung, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu thô bất chất những đe doạ về lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Mỹ và các nước đồng minh cân nhắc việc xả kho dầu dự trữ chiến lược ở mức cao chưa từng có nếu cần thiết.
Do đó, cả cung và cầu có vẻ hạ nhiệt hơn cách đây một tháng với triển vọng giá và hàng tồn kho toàn cầu ổn định hơn. Giá dầu Brent đóng cửa hôm 11/4 ở mức 98 USD/thùng, gần bằng mức trước khi căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra (ngày 24/2). Các nhà giao dịch vẫn kỳ vọng cán cân khai thác - tiêu thụ toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt và tồn kho sẽ ở mức thấp trong năm nay.
Tuy nhiên, lo ngại về tình trạng thiếu dầu thô trong ngắn hạn đã tan biến khi rủi ro các nước cấm vận dầu thô của Nga là không cao và dầu mỏ tiếp tục chảy.
Lời đề nghị chưa từng có của Mỹ và các thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong việc xả 240 triệu thùng từ nguồn dự trữ chiến lược sẵn sàng để bán trong 6 tháng tới cũng đã trấn an các nhà giao dịch rằng sẽ không thiếu hụt nguồn cung ngay lập tức.
Đồng thời, rủi ro giá tăng do xuất khẩu của Nga có thể bị gián đoạn ở một mức độ nào đó đã được bù đắp bởi sự giảm sút về nhu cầu ở Trung Quốc khi sự bùng phát dịch COVID-19 khiến nước này phải phong toả nhiều thành phố và tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi trên toàn thế giới.
Trước đó, Bloomberg cho biết Việc giao thương dầu giảm giá đang bị gián đoạn bởi đợt bùng phát dịch lớn ở Trung Quốc, khiến thời gian chờ đợi để dỡ hàng xuống tàu gia tăng. Kpler ước tính rằng nhu cầu dầu sẽ giảm ít nhất 450.000 thùng/ngày trong tháng 4, chủ yếu là do sự suy giảm trong tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay.
Bà Jane Xie, nhà phân tích dầu cấp cao của Kpler cho biết: “Các lệnh phong tỏa được thi hành ở Trung Quốc chắc chắn là đang tạo ra tác động khổng lồ lên việc đi lại của người dân và nhu cầu dành cho dầu. Một rắc rối khác là tắc nghẽn logistic”
Sự phân bổ rủi ro cân bằng hơn đã làm dịu một số giao dịch mua bán điên cuồng, đẩy nhanh sự tăng vọt về cả giá vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.