|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường dầu thế giới trước những dự báo không còn 'màu hồng'

22:20 | 01/10/2022
Chia sẻ
Nửa đầu năm nay, giá dầu thế giới liên tục biến động mạnh, chịu tác động bởi nhiều nhân tố, từ việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tổng thống Vladimir Putin. (Nguồn: THX/TTXVN).

Cùng với đó, thị trường dầu thế giới còn tác động từ việc Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Moskva cho đến việc Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn để ngăn chặn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, không như những gì mà giới phân tích đã dự báo vào giai đoạn thị trường năng lượng đang “nóng”, tình hình lạm phát cao lan rộng trên toàn cầu buộc nhiều ngân hàng trung ương lớn phải đua nhau nâng lãi suất, bất chấp cái giá phải trả là tổn thương đối với nền kinh tế.

Hệ quả của nó là đồng USD mạnh lên, chạm mức cao nhất trong hai thập kỷ, và nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng. Điều này khiến nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế “quay xe” với dự báo trước đó của họ về triển vọng giá dầu.

Giai đoạn “hoàng kim”

Điều ít người ngờ tới là khi quý I/2022 còn chưa kết thúc, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Ngày 24/2, ngày khi xung đột Nga - Ukraina bùng nổ, giá dầu Brent Biển Bắc đã ghi nhận các mức cao chưa từng thấy trong gần 8 năm, đóng cửa ở mức 101,20 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ cũng chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2014, tiệm cận ngưỡng 100 USD/thùng.

 

Nhà máy lọc dầu của tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga). (Nguồn: lukoil.com).

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố mở chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine được coi là diễn biến có thể khởi đầu cho một tình hình nghiêm trọng hơn tại châu Âu và tác động mạnh tới thị trường năng lượng toàn cầu.

Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu. Nước này cũng là nhà cung cấp khi tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, khoảng 35% nguồn cung khí đốt cho “lục địa già”. Các chuyên gia cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn cho người tiêu dùng.

Tới ngày 7/3/2022, giá dầu Brent đã tăng lên 139,13 USD/thùng, phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga.

Vào thời điểm dầu liên tục “lập đỉnh” đó, nhiều nhận định lạc quan về thị trường này được đưa ra. JPMorgan ước tính giá dầu thô có thể tăng vọt gần 70% từ mức ghi nhận vào đầu tháng Ba, lên 185 USD/thùng vào cuối năm nay nếu nguồn cung dầu của Nga vẫn bị gián đoạn.

Theo JPMorgan, quy mô của “cú sốc nguồn cung” này có thể lớn đến mức giá dầu sẽ phải duy trì ở mức khoảng 120 USD/thùng trong nhiều tháng, với giả định rằng nguồn cung dầu thô của Iran sẽ không quay trở lại thị trường ngay lập tức. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định rằng, giá dầu Brent có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm nay.

Tập đoàn tài chính ING, có trụ sở chính tại Amsterdam (Hà Lan) dự báo giá dầu Brent trong quý II/2022 sẽ đạt trung bình 102 USD/thùng, trong khi cho cả năm 2022, mức giá được đưa ra là 96 USD/thùng. Trong khi đó, ngân hàng ANZ của Australia cũng đã nâng dự báo ngắn hạn đối với giá dầu lên 125 USD/thùng, đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng.

Những nhận định bớt lạc quan

Tuy nhiên, mức giá cao trên không duy trì được lâu. Dầu Brent giảm xuống dưới 100 USD/thùng vào giữa tháng Ba trong bối cảnh dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ sau khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, áp đặt lệnh phong tỏa mới liên quan đến dịch COVID-19.

Một cơ sở khai thác dầu tại Caracas, Venezuela. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Thêm vào đó, lạm phát tăng phi mã lan rộng trên toàn cầu dẫn tới làn sóng tăng lãi suất của một loạt ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến đồng USD leo lên mức cao nhất trong 20 năm và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng lớn.

Tính từ đầu năm nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 5 lần với tổng mức tăng 3%, trong đó có ba lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, một động thái chưa từng có tiền lệ. Ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng có thể tăng lãi suất đáng kể trong tháng 11 và tháng 12 tới.

“Đồng bạc xanh” đã tăng 16% so với rổ tiền tệ trong năm nay, một mức tăng khá mạnh. Diễn biến này đã và đang làm tổn hại nặng nề thị trường cổ phiếu và dầu cũng không thoát khỏi tác động của nó, một phần là do các giao dịch hàng hóa, bao gồm dầu, thường được định giá bằng đồng USD.

Kể từ mức “đỉnh” xác lập hồi đầu năm nay, giá dầu hiện đã mất khoảng 22%. Dầu Brent hiện đang được giao dịch quanh mức 90 USD/thùng - thấp hơn rất nhiều so với mức 120 - 130 USD/thùng đạt được hồi đầu năm. Thậm chí, giá dầu Brent Biển Bắc đã có thời điểm giảm xuống dưới 80 USD/thùng. Đây là mức giá trong giai đoạn tháng 1/2022, trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Trong báo cáo định kỳ tháng 8/2022, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ năm 2022. Theo đó, thị trường “vàng đen” chưa thể khởi sắc như kỳ vọng bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn chậm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong dự báo gần đây đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành hiện thực, có thể đẩy kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.

Theo IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 dự báo sẽ xuống 3,2%, so mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng Tư. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Mới đây nhất, ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu thế giới trong quý IV/2022 và cả năm 2023 do kỳ vọng nhu cầu yếu hơn và đồng USD mạnh hơn. Ngoài ra, ngân hàng này cho biết những thất vọng về nguồn cung toàn cầu đang diễn ra chỉ củng cố triển vọng tăng giá dài hạn của họ.

Cụ thể, bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent trung bình đạt là 100 USD/thùng trong ba tháng cuối năm nay, so với dự báo trước đó là 125 USD/thùng, vốn đã được điều chỉnh so với một dự báo trước nữa là 130 USD/thùng. Trong năm 2023, Goldman dự kiến giá dầu Brent có khả năng đạt trung bình 108 USD/thùng, cũng giảm so với dự đoán trước đó là 125 USD/thùng.

Goldman Sachs dự báo OPEC sẽ giữ sản lượng gần mức hiện tại trong thời gian còn lại của năm, cho dù bất kỳ đợt cắt giảm sản lượng đáng kể nào tại cuộc họp ngày 5/10 tới sẽ thúc đẩy đà phục hồi giá dầu.

 

Theo Reuters, đà sụt giảm gần đây của giá dầu có thể chậm lại trong quý IV/2022. (Nguồn: TTXVN)

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters công bố ngày 30/9 cho hay đà sụt giảm gần đây của giá dầu có thể chậm lại trong quý IV/2022 và sang đầu năm 2023, khi trọng tâm chuyển từ lo ngại về một cuộc suy thoái sang nhu cầu thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Reuters thực hiện, 42 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 100,45 USD/thùng trong năm nay và 93,70 USD/thùng vào năm 2023. Hai mức trên đều giảm so với ước tính lần lượt là 103,93 USD/thùng và 96,67 USD/thùng vào tháng Tám. Dù vậy, chúng vẫn cao hơn nhiều so với mức hiện tại.

Cũng theo cuộc thăm dò, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ được dự báo đạt trung bình 95,73 USD/thùng vào năm 2022 và 88,70 USD/thùng vào năm tới. Mức này thấp hơn đáng kể so với dự báo lần lượt là 99,91 USD/thùng và 92,48 USD/thùng vào tháng trước, nhưng cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại là khoảng 80 USD/thùng.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết lo ngại suy thoái có thể chỉ ảnh hưởng đến giá dầu trong ngắn hạn, sau đó thị trường sẽ chuyển trọng tâm sang vấn đề nguồn cung.

Trong khi đó, nhà phân tích Ole Hvalbye của ngân hàng Thụy Điển SEB cho biết, đối với thị trường dầu trong dài hạn, các vấn đề bên cung sẽ tồi tệ hơn các vấn đề bên cầu, trừ khi có một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009.

Các nhà phân tích còn cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tiếp tục mang tính quyết định tới giá dầu, đặc biệt là sau lệnh cấm nhập khẩu gần như hoàn toàn của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga từ tháng 12 tới.

Ngân hàng JP Morgan là một trong những nhà dự báo lạc quan nhất. Trong một báo cáo vào tuần trước, các nhà phân tích của JP Morgan nhận định giá dầu Brent sẽ phục hồi lên mức 101 USD/thùng trong quí IV/2022 do nguồn cung dầu trên thị trường sẽ thắt chặt hơn.

Ngân hàng Morgan Stanley khiêm tốn hơn một chút về kỳ vọng giá dầu khi dự kiến giá dầu Brent sẽ ở mức 95 USD/thùng trong quý cuối cùng của năm. Còn ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cũng giảm kỳ vọng về giá dầu vào đầu tháng này vì lo ngại về suy thoái kinh tế cũng như việc dầu Nga tiếp tục chảy sang các nước nhập khẩu lớn ở châu Á.

Tuy vậy, dù đã điều chỉnh giảm, mức giá dầu Brent trong tháng 12 tới theo dự báo của UBS vẫn ở mức cao, 110 USD/thùng. Thậm chí, các nhà phân tích của ngân hàng này cho rằng giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên 125 USD/thùng vào cuối quý III/2023.

Theo UBS, giá dầu tăng trở lại không phải nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi mà là nhờ nhu cầu lớn hơn đối với các sản phẩm dầu mỏ để sản xuất điện và do thị trường tổng thể thắt chặt hơn khi Mỹ kết thúc chương trình bán dầu từ kho dự trữ chiến lược.

Nhìn chung, theo nhân định của các chuyên gia kinh tế, vào năm 2023, giá dầu có thể tăng trở lại mức trên 100 USD/thùng với hai điều kiện: Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa liên quan tới COVID-19; Fed tiết chế hoặc ngưng tăng lãi suất để nền kinh tế có cơ hội tăng trưởng trở lại.

Minh Trang