Thị trường dầu mỏ thế giới đang tiến tới sự cân bằng
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih. (Nguồn: Reuters)
Phát biểu tại hội nghị diễn ra tại Riyadh của Saudi Arabia, ông Falih cho biết, vào thời điểm giá dầu thô đạt hơn 70 USD/thùng (mức cao nhất trong 5 tháng), Nga và các nước khác đã cắt giảm sản lượng khai thác theo cam kết.
Saudi Arabia không cần phải chuẩn bị các biện pháp cắt giảm bổ sung để hỗ trợ thị trường.
Liên minh 25 nước gồm các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài OPEC (được gọi tắt là OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm nay sau khi giá dầu giảm hơn 30% vào cuối năm ngoái.
Ông Falih cho biết việc các nước như Nga, Iraq, Kuwait và UAE thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác giúp thị trường đi đúng hướng. Hiện tại, tuy lượng dầu dự trữ vẫn cao hơn mức trung bình nhưng thị trường đang trên hướng tới sự tái cân bằng.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết thêm việc gia hạn cắt giảm nguồn cung sẽ là vấn đề then chốt được thảo luận trong cuộc họp của OPEC+ diễn ra vào tháng tới.
Một ủy ban chung của OPEC+ được gọi là JMMC sẽ họp vào tháng Năm tới. Thành viên hội đồng bao gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA), Kuwait, Nigeria và Kazakhstan. JMMC sẽ là cơ quan ra quyết định quan trọng, bởi thông qua ủy ban này, các nước sẽ tìm ra quan điểm đồng thuận và các nguyên tắc cơ bản.
Hiện tại, Nga, nhà sản xuất dầu mỏ chính ngoài OPEC, đang thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác dầu và cho biết sẽ duy trì ít nhất cho đến tháng Sáu tới.
Sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ đã tăng mạnh, trong khi đó Tổng thống Donald Trump đã thúc ép OPEC giảm giá dầu bằng cách tăng sản lượng khai thác.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela khiến OPEC gặp khó khăn trong việc dự đoán cung và cầu toàn cầu. Washington cũng đang thúc đẩy thông qua Dự luật về sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC).
Dự luật này có thể sẽ khởi đầu cho một số vụ kiện chống độc quyền lên OPEC. Động thái này khiến OPEC và quốc gia đứng đầu là Saudi Arabia lo lắng./.