Thị trường chứng quyền tuần (31/8 - 4/9): Nhóm PNJ bùng nổ, chứng quyền ngân hàng phân hóa
Chứng khoán MBS đưa vào giao dịch thêm 5 mã chứng quyền mới
Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường ghi nhận thêm 5 mã chứng quyền mới được đưa vào giao dịch chính thức. Đây là các chứng quyền do CTCP Chứng khoán MB (MBS) phát hành trong tháng 8/2020 dựa trên các cổ phiếu cơ sở gồm MSN, PNJ, STB, VNM và VPB.
Trong đợt phát hành này, MBS đưa ra các chứng quyền với kì hạn từ 3 đến 4 tháng, trong đó mã CSTB2008 có kì hạn 3 tháng, hai mã CPNJ2007 và CVPB2009 kì hạn 3 tháng, hai mã còn lại gồm CMSN2008 và CVNM2009 có kì hạn 4 tháng.
Về tỉ lệ chuyển đổi, chứng quyền CSTB2008 có tỉ lệ 1:1, tức với mỗi chứng quyền mua vào thì người sở hữu sẽ được quyền mua vào một cổ phiếu STB khi thực hiện quyền hoặc đáo hạn. Trong khi đó, chứng quyền CVNM2009 có tỉ lệ chuyển đổi cao nhất khi nhà đầu tư phải sở hữu 10 chứng quyền mới được quyền mua thêm một cổ phiếu VNM.
Ghi nhận sau tuần giao dịch đầu tiên, tất cả chứng quyền trên đều tạm thời ở trong trạng thái lỗ vị thế mặc dù đều tăng giá tích cực. Điển hình, chứng quyền CMSN2008 với giá phát hành 1.530 đồng/cw và giá thực hiện 53.000 đồng/cp có giá hòa vốn là 60.650 đồng/cp, lỗ tạm thời ở mức 7,2%.
Trong trạng thái khả quan hơn, hai chứng quyền CVPB2009 và CVNM2009 tạm lỗ nhẹ lần lượt 0,04% và 0,1%. Hai chứng quyền còn lại CPNJ2007 và CSTB2008 lỗ 1,2% và 3,4%.
Chứng quyền PNJ giao dịch bùng nổ trong tuần qua
Về diễn biến trong tuần qua, thị trường chứng quyền tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc khi thị trường chứng quyền cơ sở vẫn duy trì xu hướng tích cực và dòng tiền cũng tiếp tục chảy vào.
Toàn thị trường ghi nhận 60 mã tăng giá, 29 mã giảm giá 3 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, sự tích cực được thể hiện rõ nét nhất tại các nhóm chứng quyền bán lẻ - đồ uống như PNJ, VNM hay nhóm ngân hàng HDB, STB.
Cụ thể, chứng quyền CPNJ2003 do Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dẫn đầu đà tăng giá trong tuần qua với mức sinh lời 81,8%; tương đương mức tăng giá 90 đồng/cw từ 110 đồng/w lên 200 đồng/cw. Cùng với đó, chứng quyền CPNJ2007 của MBS ghi nhận mức tăng xấp xỉ 40% từ 1.670 đồng/cw lên 2.330 đồng/cw.
Theo sau nhóm PNJ, các chứng quyền VNM cũng giao dịch bùng nổ với nhiều mã bứt phá và góp mặt vào top15 tăng giá trong tuần qua. Trong đó, chứng quyền CVNM2002 của Chứng khoán KIS dẫn dắt cả nhóm với hiệu suất gần 70% từ 860 đồng/cw lên 1.460 đồng/cw.
Một chứng quyền VNM khác do KIS phát hành là CVNM2006 cũng đạt mức tăng 36,1%, từ 360 đồng/cw lên 490 đồng/cw. Hai chứng quyền VNM còn lại trong top15 tăng giá gồm CVNM2004 của SSI và CVNM2005 của HSC tăng lần lượt 26,2% và 21,9%.
Với sự hồi phục đáng kể của cổ phiếu VJC, nhóm chứng quyền này cũng chứng kiến giao dịch khả quan khi mã CVJC2003 đứng thứ 3 top tăng giá với mức sinh lời 52,8% từ 360 đồng/cw lên 550 đồng/cw; chứng quyền CVJC2003 của KIS tăng gần 31% lên 170 đồng/cw.
Nhiều chứng quyền giảm giá ở mức hai con số
Trái ngược với sự khởi sắc của thị trường chung, nhiều chứng quyền vẫn chịu áp bán và chứng kiến sự giảm giá ở mức hai con số, điển hình là các chứng quyền ngân hàng nư MBB, STB hay VPB.
Trong đó, chứng quyền CSTB2003 do Chứng khoán KIS phát hành giảm 40% từ 650 đồng/cw xuống 390 đồng/cw, dẫn đầu đà giảm giá toàn thị trường. Các chứng quyền STB khác gồm CSTB2005, CSTB2002, CSTB2006 cũng chứng kiến mức giảm từ 13% đến hơn 20%.
Tương tự, nhóm chứng quyền CVPB gồm CVPB2007 và CVPB2008 của Chứng khoán HSC sụt giảm 16,3% và 7,7% giá trị, xuống lần lượt còn 1.130 đồng/cw và 1.800 đồng/cw. Chứng quyền CVPB2006 của SSI giảm 10,5% xuống 1.870 đồng/cw.
Các chứng quyền khác giảm trên 10% còn có CMSN2002, CPNJ2002, CPNJ2002, CNVL2001, CSBT2007, CVHM2004 với mức giảm dao động từ 10,3% từ 36,4%.
Khối ngoại không ngừng bán ròng
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp sự khởi sắc của thị trường, khối này vẫn âm thầm bán ròng trong tuần qua dù mức độ không nhiều như các tuần trước.
Cụ thể, khối ngoại bán ra gần 9,6 triệu chứng quyền trong khi chỉ mua vào 7,7 triệu chứng quyền, đóng góp trên 20% thanh khoản toàn thị trường. Theo đó, khối lượng bán ròng ở mức gần 1,9 triệu đơn vị, tương đương giá trị bán ròng ở mức 0,82 tỉ đồng.