Thị trường chứng quyền tuần (13 - 17/4): Nhiều mã tăng bằng lần
Tiếp tục xuất hiện nhiều cơ hội "ăn bằng lần"
Tuần giao dịch 13 - 17/4, thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc sau những thông tin tích cực về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19, cùng với động thái họp cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của các nước OPEC+ được kì vọng giúp giá dầu tăng trở lại.
Theo đó, thị trường chứng quyền cũng chứng kiến xu hướng tích cực với sự hồi phục diễn ra tại nhiều nhóm ngành. Thống kê cho thấy, toàn thị trường ghi nhận 33 mã tăng giá, 19 mã giảm giá và 3 mã giữ giá tham chiếu; trong đó đặc biệt xuất hiện nhiều cơ hội "ăn bằng lần".
Đơn cử, chứng quyền CVPB2004 của Chứng khoán SSI dẫn đầu đà tăng toàn thị trường với tỉ lệ 533%, từ 60 đồng/cw lên 380 đồng/cw. Thậm chí, mức giá cao nhất đạt được trong tuần là 680 đồng/cw, tương đương mức tăng gấp 11 lần.
Hai chứng quyền VPB khác là CVPB2001 của Chứng khoán TP HCM (HSC) và CVPB2003 của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hồi phục lần lượt 84% và 68,22% và lấy lại các mức giá trên 1.000 đồng/cw. Bên cạnh đó, cổ phiếu VPB cũng hồi phục hơn 15% từ 18.650 đồng/cp lên 21.450 đồng/cp.
Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu và chứng quyền này diễn ra sau khi ông Nguyễn Đức Giang, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh đăng kí mua vào 12 triệu cổ phiếu VPB. Ông Giang dự kiến thực hiện giao dịch từ 15/4 đến 14/5/2020.
Tương tự nhóm VPB, nhóm chứng quyền FPT cũng giao dịch sôi động cùng sự bứt phá của cổ phiếu FPT, với 3 mã xuất hiện trong top10 tăng giá. Hai mã "ăn bằng lần" CFPT1908 của MBS và CFPT2001 của HSC tăng lần lượt 123,8% và 114,3%; chứng quyền CFPT2002 của VCSC cũng đạt hiệu suất 89,5%.
Hai chứng quyền khác ghi nhận hiệu suất bằng lần là CVRE2020 của HSC và CPNJ2001 của MBS. Trong đó, chứng quyền CVRE2002 tăng từ 70 đồng lên 170 đồng, chứng quyền CPNJ2001 tăng gấp đôi từ 10 đồng/cw lên 20 đồng/cw.
Ở nửa dưới top10, chứng quyền CHPG2001 của HSC và CVPB2003 của VCSC tăng lần lượt 80,77% và 68,22%.
Chứng quyền sắp đáo hạn tiếp tục giảm sâu
Trong khi thị trường chung ghi nhận xu hướng tích cực, nhiều chứng quyền vẫn tiếp tục lao dốc trong tuần 13 - 17/4, phần lớn trong đó là các chứng quyền gần ngày đáo hạn.
Trong tuần sau, các chứng quyền CVNM1903, CREE1903, CVIC1902, CVJC1902, CVHM1902 của SSI và CMWG2003 của MBS sẽ ngừng giao dịch, cụ thể từ ngày 22/4. Các chứng quyền này đều chứng kiến sự sụt giảm ở mức hai con số và rơi về vùng giá thấp nhất lịch sử, chỉ từ 10 - 20 đồng/cw.
Trong khi đó, chứng quyền CMWG2004 cũng lao dốc bất chấp sự hồi phục từ cổ phiếu MWG và cũng còn hai tháng nữa mới đáo hạn. Với mức sụt giảm gần 77, mã này hiện còn 70 đồng/cw.
Nhóm chứng quyền của Chứng khoán KIS cũng chứng kiến sự kém sắc trong tuần qua với nhiều mã giảm sâu. Trong đó, chứng quyền CMSN1902 mất một nửa giá trị xuống 70 đồng/cw, chứng quyền CROS2001 và CVIC1903 giảm lần lượt 42,86% và 37,5%.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện, trái chiều giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài
Sự khởi sắc trên thị trường chứng quyền phần nào đã thu hút trở lại sự quan tâm của nhà đầu tư, theo đó thanh khoản cũng tiếp tục cải thiện so với tuần trước. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 37,33 triệu đơn vị, tăng 7,4%; giá trị giao dịch cũng tăng 1,7% lên 11,07 tỉ đồng.
Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng rót thêm tiền vào thị trường dù vẫn bán ròng nếu tính theo khối lượng giao dịch.
Cụ thể, khối ngoại mua vào 5,4 triệu đơn vị, tương đương 3,05 tỉ đồng; trong khi khối này bán ra 6,6 triệu đơn vị tương đương giá trị 2,82 tỉ đồng. Nhóm nhà đầu tư này đóng gop trên 25% thanh khoản thị trường.