Thị trường chứng quyền tuần (30/3 - 3/4): Hồi phục trên diện rộng, xuất hiện nhiều mã tăng bằng lần
Tuần giao dịch cuối tháng 3 - đầu tháng 4/2020, thị trường chứng khoán ghi nhận sự hồi phục tích cực sau khi số ca nhiễm mới virus COVID-19 tại Việt Nam đã dấu hiệu giảm xuống, cùng với đó là sự khởi sắc từ thị trường thế giới sau khi giá dầu thô hồi phục mạnh mẽ.
Cùng xu hướng đó, thị trường chứng quyền cũng quay đầu hồi phục sau chuỗi giảm sâu liên tiếp, đặc biệt tại nhóm bán lẻ và "họ Vingroup". Độ rộng thị trường tích cực hơn trong tuần qua với 25 mã tăng giá và 9 mã giữ giá ổn định, dù vậy vẫn còn 28 mã giảm giá.
Xuất hiện nhiều cơ hội "ăn bằng lần"
Trong xu hướng tích cực của thị trường chung, nhiều cơ hội "ăn bằng lần" đã xuất hiện, mang lại mức lợi suất xứng đáng cho nhưng nhà đầu tư chấp nhận mạo hiểm bắt đáy trong tuần trước.
Bộ đôi chứng quyền MWG thu hút sự chú ý với mức tăng gấp đôi, trong đó mã CMWG2001 tăng từ 30 đồng/cw lên 60 đồng/cw và CMWG2003 tăng từ 10 đồng/cw lên 20 đồng/cw.
Sự khởi sắc từ cổ phiếu MWG chính là động lực giúp nhóm chứng quyền này giao dịch bứt phá. Trong tuần qua, cổ phiếu MWG chứng kiến sự hồi phục ngoạn mục, đặc biệt trong phiên giao dịch cuối tuần khi tăng kịch trần lên 65.400 đồng/cp đồng thời còn dư mua trần hàng trăm nghìn đơn vị.
Dòng tiền quay trở lại cổ phiếu của Thế giới Di động sau khi những thông tin tích cực được công bố. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của toàn hệ thống vẫn đạt con số 8.500 tỉ đồng, vẫn tăng trưởng so với cùng kì dù chưa đạt kế hoạch.
Mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) đã phát hành thêm 1 triệu chứng quyền dựa trên cổ phiếu MWG. Chứng quyền có kì hạn 6 tháng với giá chào bán 2.500 đồng/cw, dự kiến sẽ được đưa vào giao dịch trong tháng này.
Cùng với nhóm MWG, hai chứng quyền GMD và ROS cũng ghi nhận lợi suất gấp đôi trong tuần qua. Cụ thể, chứng quyền CGMD1901 tăng từ 10 đồng/cw lên 20 đồng/cw, chứng quyền CROS2001 tăng từ 40 đồng/cw lền 80 đồng.
Nhóm chứng quyền HPG giao dịch sôi động trong tuần sau khi cổ phiếu HPG có 4 phiên hồi phục liên tiếp. Theo đó, hai mã lọt top10 tăng giá gồm CHPG2004 tăng 73,68% và CHPG2001 tăng 70%.
Một số mã khác cũng ghi nhận sự hồi phục ấn tượng như CMWG2002, CVJC1902, CVIC2001 và CDPM2001. Trong đó, mã tăng thấp nhất top10 là CDPM2001 cũng đạt mức lợi suất gàn 46%.
Nhiều chứng quyền bốc hơi gần hết giá trị
Trái ngược với những cơ hội ăn bằng lần ở trên, áp lực vẫn diễn ra tại nhiều nhóm chứng quyền khiến những mã này bị thổi bay gần như toàn bộ giá trị.
Điển hình, chứng quyền CVPB2002 của Chứng khoán VPS giảm tới 93,33% từ 150 đồng về còn vỏn vẹn 10 đồng/cw, bằng đúng một bước giá. CVPB2002 hiện cũng là chứng quyền duy nhất của VPS đang được giao dịch, mã này vừa chào sàn vào tháng 2/2020 với giá trên 2.000 đồng/cw, có thời điểm mã này tăng lên tới hơn 4.000 đồng/cw.
Ba vị trí giảm mạnh kế tiếp là các chứng quyền của SSI như CHPG1907 giảm hơn 91%, CVHM1902 và CVPB2004 giảm khoảng 70%. Một số mã khác cũng mất 60% giá trị như CHDB2002, CMBB1903 và CVPB2003.
Tương tự VPS, VNDirect cũng đang có duy nhất chứng quyền CTCB1902 đang được giao dịch. Dù vậy, sự lao dốc của cổ phiếu TCB khiến mã này giảm tới hơn 53% trong tuần qua, từ 450 đồng/cw về còn 210 đồng/cw.
Hai chứng quyền còn lại ghi nhận mức giảm trên 50% gồm CVNM1903 và CMBB1905.
Thanh khoản thị trường thấp kỉ lục, khối ngoại tiếp tục bán ròng
Mặc dù ghi nhận giao dịch tích cực hơn trong tuần qua, thanh khoản thị trường chứng quyền vẫn tiếp tục giảm sút do tâm lí lo ngại của giới đầu tư về áp lực bán tháo có thể xảy ra trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Khối lượng giao dịch cả tuần đạt 26,8 triệu đơn vị, giảm 25,6% so với tuần trước. Trong khi đó, giá trị giao dịch giảm 45,8% xuống mức thấp kỉ lục, chỉ còn 4,32 tỉ đồng; giá trị này thậm chí còn thấp hơn thanh khoản của nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cơ sở.
Một điếm trừ khác của thị trường là nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra không mặn mà khi liên tiếp ghi nhận những tuần bán ròng giá trị hàng tỉ đồng.
Trong tuần qua, khối ngoại đã có tín hiệu mua ròng trở lại khối lượng 443.460 đơn vị, dù vậy dòng tiền vẫn chưa chảy vào lại khi giá trị bán ròng vẫn ở mức 0,51 tỉ đồng.
Khối ngoại cũng đóng góp đáng kể vào thanh khoản toàn thị trường, với giá trị mua đạt 25,4% và giá trị bán đạt 37,2%.