|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng quyền (4 - 8/5): Cơ hội ăn bằng lần vẫn xuất hiện, nhóm sắp đáo hạn giảm sâu

20:12 | 10/05/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng quyền tuần 4 - 8/5 giao dịch khởi sắc cùng với sự bùng nổ trên thị trường chứng khoản cơ sở, theo đó thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh trở lại sau kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Thị trường chứng quyền (4 - 8/5): Cơ hội ăn bằng lần vẫn xuất hiện, nhóm sắp đáo hạn giảm sâu - Ảnh 1.

Chứng quyền MWG giao dịch khởi sắc nhờ kì vọng hệ thống bán hàng mở cửa trở lại sau dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Sơn Tùng.

Thị trường chứng quyền ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc

Tuần giao dịch 4 - 8/5, thị trường chứng khoán giao dịch khởi sắc cũng kéo theo xu hướng tích cực trên thị trường chứng quyền, đặc biệt trong 3 phiên cuối tuần đã chứng kiến nhiều mã giao dịch bứt phá.

Trong tổng số 52 mã chứng quyền đang được giao dịch, tuần vừa qua ghi nhận 28 mã tăng giá, 18 mã giảm giá và 6 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, cơ hội "ăn bằng lần" tiếp tục xuất hiện tại chứng quyền CTCB2001 của HSC với mức tăng 116,7% từ 60 đồng/cw lên 130 đồng/cp.

Việc cổ phiếu TCB là một trong những mã ngân hàng tăng giá mạnh nhất tuần qua đã hỗ trợ tích cực cho đà tăng của chứng quyền này. Trong phiên cuối tuần, cổ phiếu TCB bất ngờ bật tăng kịch trần khiến chứng quyền CTCB2001 bứt phá, thậm chí trong phiên có thời điểm lên tới mức giá 200 đồng/cw, tương ứng tăng gấp hơn 3 lần.

Bên cạnh đó, chứng quyền TCB còn lại là CTCB1902 của VNDirect cũng ghi nhận mức tăng 32,1% lên 370 đồng/cw. Một chứng quyền khác nhóm ngân hàng cũng lọt top10 tăng giá là CVPB2001 tăng 43,56% lên 1.450 đồng/cw.

Thị trường chứng quyền (4 - 8/5): Cơ hội ăn bằng lần vẫn xuất hiện, nhóm sắp đáo hạn giảm sâu - Ảnh 2.

Top10 chứng quyền tăng giá mạnh nhất tuần 4 - 8/5. Nguồn: HOSE.

Cùng với nhóm ngân hàng, các chứng quyền FPT cũng giao dịch khởi sắc sau 3 phiên bứt phá của cổ phiếu này. Chứng quyền CFPT2001 của HSC tăng gần 70% lên 450 đồng/cw; hai mã CFPT1908 và CFPT2004 tăng lần lượt 33,3% và 32,7%.

Nhóm chứng quyền HPG tiếp tục xu hướng đi lên cùng với cổ phiếu này sau khi ông Tạ Tuấn Quang – Thành viên HĐQT Hòa Phát đăng kí mua tiếp 1,414 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 11/5 đến 9/6/2020. Theo đó, mã CHPG2004 đứng thứ 2 trong top tăng giá với lợi suất 76,83% lên 1.450 đồng/cw; mã CHPG2001 tăng 60,7% lên 900 đồng/cw.

Nếu như cổ phiếu HPG tăng giá với kì vọng hưởng lợi từ chính sách đầu tư công nhằm thúc đẩy kinh tế sau dịch COVID-19, thì các cổ phiếu bán lẻ - hàng tiêu dùng như MWG, VNM lại được đánh giá sẽ tăng trưởng trở lại khi nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau dịch.

Theo đó, top10 tăng giá cũng ghi nhận hai chứng quyền CMWG2002 và CVNM2001 cùng tăng gấp rưỡi lên lần lượt 180 đồng/cw và 240 đồng/cw. Ngoài ra, một số mã bán lẻ khác ghi nhận xu hướng tích cực như CMWG2005 (22,6%); CMSN2001 (3,6%).

Nhiều chứng quyền vẫn lao dốc khi sắp đáo hạn

Trái với xu hướng khởi sắc chung của thị trường, nhiều chứng quyền vẫn tiếp đà lao dốc trong tuần qua, nguyên nhân được cho rằng các mã này sắp đến ngày đáo hạn trong khi đang ở trong trạng lãi lỗ vị thế.

Theo đó, hai chứng quyền CMSN1902 và CVIC1903 của Chứng khoán KIS cùng giảm 66,7% và cùng rơi về vùng giá thấp nhất, chỉ còn 10 đồng/cw. Hai chứng quyền khác sắp đáo hạn của công ty chứng khoán này là CHPG1909 và CVRE1903 cũng chứng kiến mức giảm lần lượt 55,6% và 50%.

Các chứng quyền sắp đáo hạn của Chứng khoán SSI gồm CHDB2004 và CVPB2004 giảm lần lượt 50% và 33,3%. Trong đó, mà CHDB2004 hiện cũng rơi về giá thấp nhất 10 đồng/cw.

Thị trường chứng quyền (4 - 8/5): Cơ hội ăn bằng lần vẫn xuất hiện, nhóm sắp đáo hạn giảm sâu - Ảnh 3.

Nhiều chứng quyền sắp đáo hạn tiếp tục lao dốc trong tuần 4 - 8/5. Nguồn: HOSE.

Ngoài các chứng kiến sắp đáo hạn, nhiều mã khác cũng nằm trong xu hướng đi xuống trong cả tuần. Mặc dù đều giao dịch khởi sắc trong 3 phiên cuối tuần, sự hồi phục của các chứng quyền này vẫn không đủ bù đắp lại mức giảm trong 2 phiên giao dịch sau kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Chứng quyền CROS2001 giảm 25% xuống 30 đồng/cw; hai mã CDPM2002 và CSTB2001 của KIS đều giảm giá ở mức hai con số. Ngoài ra, chứng quyền CMBB2004 của VNDirect cũng giảm 15,1%.

Khối ngoại vẫn bán ròng bất chấp thị trường chứng quyền giao dịch khởi sắc

Với sự khởi sắc sau kì nghỉ lễ, thanh khoản thị trường chứng quyền đã tăng mạnh trở lại. Khối lượng giao dịch toàn thị trường tuần qua đạt 38,1 triệu đơn vị, cao gấp 2,3 lần so với tuần trước; giá trị giao dịch tăng cao gấp 3,4 lần, đạt 30,96 tỉ đồng.

Cùng với đó, khối ngoại cũng quay lại mua ròng nếu xét theo khối lượng giao dịch với hơn 6,1 triệu đơn vị được mua vào so với 5,4 triệu đơn vị bán ra. Dù vậy, việc bán ra các chứng quyền có thị giá lớn khiến giao dịch khối ngoại vẫn ghi nhận giá trị bán ròng 0,3 tỉ đồng.

Thị trường chứng quyền (4 - 8/5): Cơ hội ăn bằng lần vẫn xuất hiện, nhóm sắp đáo hạn giảm sâu - Ảnh 4.

Khối ngoại vẫn bán ròng bất chấp thị trường chứng quyền giao dịch khởi sắc. Nguồn: HOSE.

Sơn Tùng