|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?

18:05 | 11/02/2019
Chia sẻ
Sau giai đoạn sụt giảm mạnh cuối năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự phục hồi trong tháng đầu năm 2019. Một câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang “đắt hay rẻ” so với một số thị trường khác trong khu vực.

P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở đâu?

Để so sánh mặt bằng của thị trường chứng khoán Việt Nam so với một số quốc gia khác trong khu vực, một chỉ số hay được sử dụng là P/E. Sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm vào tháng 12/2018, chỉ số P/E trên sàn HOSE tăng hơn 2% trong tháng 1.

thi truong chung khoan viet nam dang dat hay re
So sánh P/E của Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực. Nguồn: Bloomberg

Tính đến 11/2, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 15,48 lần, thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực như Indonesia (20,61), Philippine (20,46), Malaysia (19,1) và ngang bằng với Thái Lan (15,28). Tuy nhiên, mức P/E của Việt Nam cao hơn một số quốc gia khác như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp kinh doanh tốt, lợi nhuận năm 2018 tăng 21,5% so với năm ngoái

Tính đến 31/1, thống kê lợi nhuận của 677 trong tổng số 758 doanh nghiệp, tổng mức lợi nhuận sau thuế của các công ty đạt 197,4 nghìn tỉ đồng, tăng 21,5% so với năm 2017. Tuy nhiên, kết quả này lại có sự phân hóa khi có 302 báo cáo kết quả kinh doanh với tỉ lệ tăng trưởng âm, chiếm tỉ lệ 45%. Đáng chú ý, 52 công ty chiếm tỉ trọng 7,7% báo cáo kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2018.

Nhóm cổ phiếu Ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt với tỉ lệ 33,9% so với năm ngoái. Trong đó, một số ngân hàng đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận như VCB, ACB, MBB.

Chuyên gia chứng khoán: Định giá chứng khoán Việt Nam tương tối rẻ!

Theo nhận định của ông Đỗ Bảo Ngọc (Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam), định giá trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam hiện ở mức tương đối rẻ so với mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Đó là cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư (NĐT) trong năm 2019. Đối với thị trường Việt Nam, còn những cơ hội rộng mở.

thi truong chung khoan viet nam dang dat hay re
Ông Đỗ Bảo Ngọc

Với NĐT, việc đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cần chú ý các điểm sau. Thứ nhất, chú ý về tiềm năng tăng trưởng của thị trường, đặc biệt ở các nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu, những nhóm ngành hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do trên thế giới. Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đi được hưởng ưu đãi nhiều. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất lớn vào thị trường Việt Nam, từ đó tạo một cơ hội mới cho nền kinh tế..

Nhóm ngành thứ hai cần lưu ý là nhóm ngành thế mạnh của Việt Nam. Ví dụ như ngành xuất khẩu thuỷ sản, dệt may, da giầy… Các nhóm ngành liên quan đến sản xuất như ngành phân bón, nhóm sản xuất nông nghiệp xuất khẩu. Các ngành có tính ổn định cao như hàng tiêu dùng, bán lẻ, ngành năng lượng đặc biệt ngành điện. Đấy là những nhóm ngành mang tính chất đầu tư trung và dài hạn.

Ngoài ra, có những nhóm ngành mang tính đầu cơ. Ví dụ, NĐT có thể chú ý đến nhóm ngành dẫn dắt như nhóm ngân hàng, bất động sản. Vào từng thời điểm mà NĐT có thể chú ý đến nhóm dầu khí.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng vốn ngoại

Thống kê giao dịch trong tháng đầu năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên cả HOSE, HNX và thị trường UPCoM. Cụ thể, khối ngoại mua ròng 1.326 tỉ đồng trên HOSE, hoạt động mua ròng tập trung vào một số mã cổ phiếu như VNM (566,7 tỉ đồng), MWG (565,8 tỉ đồng), VCB (317,8 tỉ đồng), VRE (224 tỉ đồng), trong khi VJC bị bán ròng mạnh nhất (412,2 tỉ đồng), VIC (233,5 tỉ đồng), DHG (227,5 tỉ đồng).

Trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 183 tỉ đồng, tập trung vào một số mã như PVS (146,2 tỉ đồng), VGC (49,3 tỉ đồng), NRC (39,1 tỉ đồng). Ngược lại SHB bị bán ròng 14,3 tỉ đồng.

Giao dịch trên UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 198 tỉ đồng. Giao dịch mua ròng diễn ra ở một số mã cổ phiếu như VTP (165,4 tỉ đồng), VEA (62,9 tỉ đồng), trong khi BSR tiếp tục bị bán ròng 62,2 tỉ đồng.

thi truong chung khoan viet nam dang dat hay re
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?. Đồ họa: Alex

Tuy nhiên, so với một số thị trường khác trong khu vực, thị trường Việt Nam được mua ròng với yếu hơn. Ví dụ, thị trường Việt Nam được mua ròng 57 triệu USD, trong khi đó giá trị mua ròng tại một số thị trường khác như Đài Loan (gần 2 tỉ USD), Indonesia (977 triệu USD), Philippines (356 triệu USD), Thái Lan (214 triệu USD).

Xem thêm

Phan Quân