Thị trường chứng khoán thế giới mất gần 1.000 tỷ USD vì căng thẳng Mỹ - Triều Tiên
Thị trường chứng khoán thế giới mất gần 1.000 tỷ USD vì căng thẳng Mỹ - Triều Tiên. |
Sau khi Triều Tiên phát đi thông báo xem xét kế hoạch phóng tên lửa nhắm vào vùng lãnh thổ Guam trên Thái Bình Dương của Mỹ vào hôm thứ Tư (9/8), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp trả bằng phát biểu cứng rắn rằng Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá đắt nếu phóng tên lửa vào Mỹ và các đồng minh.
Thị trường chứng khoán thế giới biến động mạnh ngay sau khi Triều Tiên phát đi thông báo xem xét kế hoạch phóng tên lửa nhắm vào vùng lãnh thổ Guam trên Thái Bình Dương của Mỹ vào hôm thứ Tư.
Cụ thể, ở thị trường châu Á, các chỉ số đều giảm điểm Mở đầu phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,3% xuống 19.738,71 điểm; chỉ số Kopsi của Hàn Quốc giảm 1,1% xuống 2.368,39 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2% xuống 3.275,57 điểm và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tụt 0,3% xuống 27.757,09 điểm.
Trên thị trường Mỹ, 3 chỉ số chứng khoán cơ bản đồng loạt giảm điểm trong ngày thứ Tư, nhưng ghi nhận mức giảm nhiều nhất kể từ giữa tháng 5 là vào ngày thứ Năm vì diễn biến mới liên quan đến căng thẳng Mỹ - Triều Tiên. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 1,45% xuống 2.438,21 điểm. Dow Jones giảm 0,93% xuống 21.844,01 điểm; và chỉ số Nasdaq giảm 2,13% xuống 6.216,87 điểm.
CNBC cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo 287,1 tỷ won (tương đương 251,5 triệu USD) cổ phiếu niêm yết trên Kospi trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.
Đến thứ Sáu (11/8), ông Trump bắt đầu tạo áp lực lên Triều Tiên, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông ghi nhận đợt giảm nhiều nhất kể từ tháng 11/2016. Theo Bloomberg, chỉ số Hang Seng giảm 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và giảm 2,5% trong tuần, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng 12/2016.
Chỉ số biến động HSI, đo lường sự thay đổi giá dự kiến của chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn Hang Seng Hồng Kông, tăng 16%, đánh dấu đợt tăng lớn nhất trong tuần kể từ tháng 1/2016.
Ngày thứ Sáu cũng ghi nhận phiên tụt điểm nhiều nhất năm 2017 của chỉ số Shanghai Composite, giảm 1,59% xuống 3.209,8 điểm. Chỉ số S&P 200 của Australia giảm 1,18%; Kopsi giảm 1,69%.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng ghi nhận ngày giảm điểm thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch hôm qua.
Mặc dù các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên giao dịch ngày cuối tuần nhưng vẫn đánh dấu 1 tuần thất bại của các chỉ số.
Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/8), thị trường chứng khoán toàn cầu đã mất gần 1.000 tỷ USD.
Giá vàng tăng liên tiếp trong 4 ngày vào ngày thứ Sáu, với giá vàng giao ngay giao dịch ở mức 1288,7 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 2 tháng.
Chốt phiên cuối tuần, USD tiếp tục giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác, xuống đáy 16 tuần so với yen Nhật và giảm 0,11% so với đồng franc Thụy Sĩ.