Thị trường chứng khoán mới của Trung Quốc sụt giảm sau phiên đầu tiên tăng sốc 140%, thanh khoản teo tóp
Thứ Hai tuần trước (22/7), Trung Quốc ra mắt thị trường chứng khoán Star Market với 25 mã cổ phiếu công nghệ niêm yết giao dịch lần đầu.
Kết phiên đầu tiên, tất cả 25 mã cổ phiếu đều tăng giá, mức tăng trung bình lên tới 140% do thị trường này không áp dụng biên độ trần – sàn trong 5 phiên đầu giao dịch của một cổ phiếu.
Một số mã cổ phiếu có lúc tăng tới 300-500% trong phiên và phải tạm ngừng giao dịch 10 phút để "hạ nhiệt".
Tuy vậy trong các phiên sau đó, giá nhiều cổ phiếu trên Star Market đã "rủ nhau" đi xuống, thanh khoản thị trường giờ còn chưa đầy một nửa so với phiên đầu tiên 22/7.
Các nhà giao dịch đánh giá sự ra mắt thị trường này là khá tích cực, nhưng câu hỏi ở đây là liệu sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu hiện tại có được duy trì hay không khi các cổ phiếu mới sắp được đưa lên sàn.
Ngay trong tuần giao dịch đầu tiên đã phát sinh nhu cầu bán khống (short) cổ phiếu trên Star Market.
Nhà phân tích Fu Lichun của công ty chứng khoán Northeast Securities ước tính sẽ có khoảng 200 công ty giao dịch trên thị trường mới này sau 12 tháng nữa. Ngay trong tuần này, ba công ty sẽ bắt đầu chào bán cổ phần.
Các đợt IPO trên Star Market rất hấp dẫn nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp bởi vì doanh nghiệp được phép đưa ra mức định giá tùy ý mà không bị ràng buộc như các sàn chứng khoán khác của Trung Quốc, biến động giá trong 5 phiên đầu tiên cũng không bị giới hạn trần – sàn và từ phiên thứ 6 trở đi biên độ là +/-20%.
Bà Tiffany Hsiao, một nhà quản lí danh mục tại Matthews Asia nhận định: "Rất khó để đánh giá mức độ thành công của Star Market chỉ với một vài phiên giao dịch kể từ khi ra mắt. Thị trường này đã thu hút nhiều sự chú ý của nhà đầu tư và đây là điểm rất tích cực; các cổ phiếu cũng đang được giao dịch với giá cao hơn nhiều so với giá IPO".
Nhà sản xuất bán dẫn Anji Microelectronics Technology (Thượng Hải) từng tăng tới hơn 400% trong phiên ra mắt 22/7 nhưng từ đó về sau cổ phiếu này đã giảm 10%.
Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất Star Market là China Railway Signal & Communication (CRSC) tăng giá gấp đôi trong phiên chào sàn nhưng sau đó cũng giảm 18%.
Giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường Star Market còn chưa đầy một nửa phiên ra mắt ngày thứ Hai 22/7. Nguồn: Bloomberg, Sàn Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải.
Việc giá nhảy vọt trong phiên đầu tiên cũng làm nảy sinh nhu cầu vay cổ phiếu – một công cụ thường được sử dụng để đánh cược giá cổ phiếu sẽ đi xuống.
Thị trường Star Market ít kiểm soát hoạt động này hơn so với các thị trường khác tại Trung Quốc và cho phép các nhà đầu tư tổ chức cho các môi giới vay cổ phiếu.
Theo số liệu được Bloomberg tổng hợp ngày 25/7, 6 mã cổ phiếu trên Star Market có khối lượng được vay nhiều hơn khối lượng được mua sử dụng đòn bẩy margin.
Đến nay đã có hơn 120 công ty xếp hàng để được niêm yết trên Star Market.
Ông Wang Mingli, Giám đốc điều hành tại Shanghai Youpu Investment nhận định: "Nhà đầu tư có cơ hội để giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) với tiềm năng X5 tài khoản chỉ trong một ngày, nhưng hiện tại thị trường không có gì đáng để phát cuồng lên".
"Chúng ta vẫn chưa rõ những nhà đầu tư đang tham gia thị trường này có sống sót qua cơn hoạn nạn hiện nay hay không".